Bến Tre không phát hiện các mầm bệnh trên nghêu chết hàng loạt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, nghêu xảy ra hiện tượng chết rải rác và tăng dần chết cục bộ hàng loạt từ ngày 1-20/3.
Bến Tre không phát hiện các mầm bệnh trên nghêu chết hàng loạt ảnh 1Nghêu chết hàng loạt. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Ngày 28/3, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết sau khi xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt ở các hợp tác xã, sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thu mẫu nghêu gửi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II để phân tích và cho kết quả không phát hiện các mầm bệnh trên nghêu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, nghêu xảy ra hiện tượng chết rải rác và tăng dần chết cục bộ hàng loạt từ ngày 1-20/3 tại Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, huyện Bình Đại; Hợp tác xã thủy sản Bảo Thuận, Tân Thủy, huyện Ba Tri; Hợp tác xã thủy sản Bình Minh, huyện Thạnh Phú.

Riêng Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm, huyện Bình Đại, Hợp tác xã thủy sản An Thủy huyện Ba Tri, Hợp tác xã thủy sản Thạnh Lợi, huyện Thạnh Phú nghêu chết rải rác với tỷ lệ không đáng kể từ 5-10%.

[Hà Tĩnh: Làm rõ nguyên nhân ngao, hàu chết hàng loạt ở các địa phương]

Cụ thể, Hợp tác xã thủy sản Tân Thủy, tại lô 1, khu vực có nghêu chết khoảng 15ha, mật độ trung bình 97 con/m2, cỡ nghêu trung bình 85 con/kg.

Hiện tại nghêu chết ước khoảng 90% (sản lượng trước khi nghêu chết ước khoảng 160 tấn).

Tại lô 2 và lô 3, khu vực có nghêu chết khoảng 50ha, cỡ nghêu trung bình 95 con/kg. Hiện tại nghêu chết rải rác, tỷ lệ nghêu chết ước khoảng từ 3-16%.

Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, khu vực nghêu đang chết tại bãi nghêu Cồn Chày Mười với diện tích khoảng 10ha, cỡ nghêu 90-100 con/kg, tỷ lệ thiệt hại ước khoảng 60%, sản lượng thiệt hại ước tính khoảng 72 tấn, giá trị thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.

Đối với các khu vực bãi nghêu nằm phía trong đất liền (Hạ Long, Thăng Long, Phi Long) nghêu có chết rải rác nhưng không đáng kể.

Hợp tác xã thủy sản Bảo Thuận, tổng diện tích nuôi nghêu là 267ha, chia làm 4 lô. Diện tích có nghêu khoảng 163ha, lượng nghêu chết nhiều nhất tại khu vực lô 2 và 3, tỷ lệ thiệt hại từ 30-45%.

Cụ thể, tại lô 1, tỷ lệ thiệt hại 45%, sản lượng thiệt hại 253 tấn, cỡ nghêu 80 con/m2; lô 2 và 3, tỷ lệ thiệt hại 45%, sản lượng thiệt hại 338 tấn nghêu, giá trị thiệt hại ước tính 5 tỷ đồng. Hiện sản lượng nghêu toàn hợp tác xã còn trên bãi ước tính khoảng 840 tấn.

Đối với Hợp tác xã thủy sản Bình Minh, diện tích có nghêu chết trên bãi là 35ha, tỷ lệ thiệt hại là 48%, sản lượng thiệt hại 500 tấn. Nghêu toàn hợp tác xã còn trên bãi ước tính khoảng 514 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, qua kiểm tra các yếu tố môi trường tự động tại Chi cục Thủy sản (6 thông số) ở các vùng nghêu của Hợp tác xã Tân Thủy, Thạnh Lợi và Bình Minh nằm trong ngưỡng thích hợp.

Theo nhận định của các hợp tác xã là do gió mùa Đông Bắc thổi mạnh liên tục từ cuối tháng 2 đến khoảng 15/3 và kết quả biến động về thông số độ mặn được cập nhật tại hệ thống quan trắc tự động (đặt tại Chi cục thủy sản) dao động từ 16-29‰ liên tục trong khoảng thời gian 1-20/3.

Đặc biệt, khoảng thời gian này, thủy triều không rút cạn, các bãi nghêu luôn ngập nước nên khả năng là do nghêu bị sốc độ mặn gây ra chết hàng loạt.

Hiện nay, diễn biến về tình hình nghêu chết ở các hợp tác xã đã ổn định, hiện tượng nghêu chết đã tạm ngưng.

Các hợp tác xã đang chuẩn bị đấu giá để khai thác nghêu đạt kích cỡ thu hoạch, nhằm giảm mật độ nghêu trên bãi.

Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre khuyến cáo các hợp tác xã thủy sản nên vệ sinh nghêu chết nhằm tránh lây nhiễm khu vực xung quanh.

Trong khoảng thời gian này, không nên di dời lượng nghêu còn lại tại các bãi bị chết đến vùng nuôi khác; khơi thông những nơi vùng đọng nước nhằm hạn chế nắng nóng cục bộ có thể gây bất lợi cho nghêu.

Đối với khu vực nghêu phát triển bình thường, hợp tác xã nên tranh thủ san thưa hoặc đấu giá bán giảm bớt để mật độ tránh thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục