Bến Tre kiềm chế tốc độ gia tăng F0, không để đứt gãy trong sản xuất

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre cho biết số ca mắc trung bình 7 ngày trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh; riêng ngày 11/11 ghi nhận 64 ca/ngày cao hơn 9 ca so đỉnh dịch tháng 7/2021.
Bến Tre kiềm chế tốc độ gia tăng F0, không để đứt gãy trong sản xuất ảnh 1Hoạt động tại một doanh nghiệp ở Bến Tre. (Nguồn: TTXVN)

Những ngày gần đây, Bến Tre tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng và các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục tập trung nâng cao công tác chỉ đạo, quản lý địa bàn, kiềm chế tốc độ gia tăng F0; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khi phát sinh các tình huống, khoanh vùng dịch ở phạm vi nhỏ nhất, quyết không để gián đoạn hay đứt gãy chuỗi sản xuất.

Kiềm chế tốc độ gia tăng F0

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre, từ 18 giờ ngày 11/11 đến 6 giờ ngày 12/11, địa phương ghi nhận thêm 33 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (gồm 26 ca cộng đồng và 7 ca đã cách ly). Toàn tỉnh có 3.132 ca mắc COVID-19; trong đó, có 2.235 bệnh nhân đã được xuất viện và 54 trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Hữu Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre cho biết trong 3 ngày gần đây (9-11/11), số ca mắc tăng ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó hai huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc có số mắc cao. Số ca mắc tăng có liên quan đến các ổ dịch Công ty Bia Sài Gòn (Khu công nghiệp An Hiệp với 2 ca F0), đám tang tại xã Bình Thới (huyện Bình Đại 125 ca), Công ty FAS (Khu công nghiệp Giao Long 48 ca), Công ty Sigma (Khu công nghiệp Giao Long 4 ca).

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết số ca mắc trung bình 7 ngày trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh; riêng ngày 11/11 ghi nhận 64 ca/ngày cao hơn 9 ca so đỉnh dịch tháng 7/2021.

Đáng lưu ý là các ca bệnh ghi nhận chủ yếu tại cộng đồng (54,31%), khu cách ly (32%), khu công nghiệp (11,55%)... Hiện, số ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện cũng có chiều hướng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 ở người ngoài tỉnh về khoảng 0,93%, vẫn tạo nguy cơ lây lan dịch tại địa phương.

Toàn tỉnh Bến Tre có 8/9 huyện, thành phố có dịch ở cấp độ 2, một huyện (huyện Bình Đại) cấp độ 3. Đối với cấp xã, có 9 xã ở cấp độ 4; 32 xã cấp độ 3; 81 xã cấp độ 2 và 35 xã cấp độ 1. Tính đến nay, huyện Bình Đại đã ghi nhận hơn 320 ca mắc COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho hay, Bình Đại đánh giá cấp độ dịch đến từng khóm, ấp để quản lý. Cụ thể, huyện có 10 đơn vị ấp ở cấp độ 4, 4 ấp ở cấp độ 3, 21 ấp ở cấp độ 2 và 58 ở cấp độ 1.

Để sớm kiểm soát tình hình dịch tại địa phương, huyện đã tập trung quản lý chặt các hoạt động theo từng cấp độ dịch, nhất là tại quán ăn, chợ, nhà hàng, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao như karaoke, bán hàng rong, bán vé số…, qua đó vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Huyện cũng tăng cường quản lý chặt cơ sở, phát huy vai trò Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản để quản lý người từ ngoài tỉnh về và lực lượng công nhân làm tại các khu công nghiệp (khoảng 3.000 người lao động đi/về mỗi ngày).

Tính đến chiều 11/11, huyện đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho 84,98%, mũi 2 cho 40,16% người dân đủ điều kiện tiêm.

Hiện, Bình Đại đang có 3 địa phương có dịch ở cấp độ 4 (xã Bình Thới, xã Đại Hòa Lộc và thị trấn Bình Đại), nhiều nhất tỉnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bến Tre vào chiều 11/11, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ lưu ý lực lượng chức năng huyện Bình Đại cần nắm chắc địa bàn, bám sát tình hình, qua đó chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả đến tận cấp xã, ấp. Đặc biệt là theo dõi tình hình biến động dân cư, không để dịch tiếp tục lây lan trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu "vàng hóa," "xanh hóa" các 3 xã đang ở cấp độ 4.

[Bến Tre ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng]

Đánh giá về tình hình chung, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho hay trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/10 đến nay, số lượng F0 phát sinh có chiều hướng gia tăng. Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương và người dân không thể chủ quan, lơ là; cần tập trung nâng cao công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, trước mắt là phải kiềm chế tốc độ gia tăng F0 trong cộng đồng và khu cách ly.

Các địa phương có mức độ dịch cấp 3, cấp 4 thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo của ngành Ytế; đồng thời xem xét quy định thêm thời gian đi lại để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, nhanh chóng đưa về cấp độ dịch thấp hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ thông tin phần lớn các ca F0 đều từ người ngoài tỉnh về, sau đó lây lan ra cộng đồng. Do đó, cần tăng cường, nâng cao quản lý, giám sát tại cơ sở của chính quyền xã, phường, thị trấn, đặc biệt là nâng cao vai trò các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản…; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, theo dõi các biểu hiện về sức khỏe...

Không để đứt gãy trong sản xuất

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, tín hiệu đáng mừng là tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đang trong trạng thái tương đối tốt. Hiện, có khoảng 90% doanh nghiệp, hơn 90% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu khôi phục hoạt động; trong đó, khoảng 50% đã đạt tối đa công suất. Số lượng công nhân, người lao động quay lại làm việc đạt gần 90%.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở, doanh nghiệp khẩn trương tổ chức lại sản xuất trong điều kiện an toàn. Mặt khác, khi phát sinh các tình huống xuất hiện các trường hợp mắc COVID-19, các địa phương, đơn vị cần có những hướng dẫn xử lý, khoanh dịch ở phạm vi nhỏ nhất, quyết không để ảnh hưởng, gián đoạn hay đứt gãy chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Đoàn Viết Hồng - Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết hiện nay các doanh nghiệp đang tập sản xuất để phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Do vậy, áp lực về vấn đề lao động và ổn định để sản xuất rất lớn.

Bến Tre kiềm chế tốc độ gia tăng F0, không để đứt gãy trong sản xuất ảnh 2Sơ chế dừa tươi phục vụ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Trong điều kiện thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa duy trì sản xuất, các doanh nghiệp đã có phương án chủ động để nâng cao năng lực xét nghiệm tầm soát, phát hiện sớm các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Người lao động cũng đã ý thức hơn trong bảo vệ sức khỏe bản thân.

Tính đến chiều 11/11, có khoảng 300 trường hợp F1 trong các doanh nghiệp liên quan đến các ca mắc đã phát hiện trước đó.

Trước diễn biến mới của dịch, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cũng kiến nghị để bảo vệ các khu vực sản xuất cần quan tâm bảo vệ các "khu vực vành đai," trong đó có việc tầm soát định kỳ, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân sinh sống, các tiểu thương, khu vực nhà trọ... xung quanh các khu công nghiệp, từ đó hạn chế nguy cơ lây lan dịch ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

"Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn so với quy định trong đơn vị để vừa bảo vệ, vừa "không bỏ lọt ca mắc" gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Cụ thể là áp dụng theo hình thức "3 tại chỗ," "một cung đường, hai điểm đến"… mục tiêu là hướng đến an toàn cho người lao động để an toàn trong sản xuất.

Tại các khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh cần cho chủ trương hình thành các trạm y tế lưu động, khu cách ly tập trung F1 cho người lao động, trong trường hợp phát hiện các ca mắc COVID-19," ông Đoàn Viết Hồng kiến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.