Bến Tre: Liên kết nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản

Ngành nông nghiệp Bến Tre xác định yếu tố liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân góp phần quan trọng trong thành công của chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.
Bến Tre: Liên kết nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản ảnh 1Thu hoạch quả chôm chôm. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Tỉnh Bến Tre đang từng bước chuyển dịch theo hướng chuyên canh một số đối tượng cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn.

Đây là nhóm nông sản có lợi thế, được Bến Tre xác định là nông sản chủ lực của tỉnh để xây dựng chuỗi giá trị.

Ngành nông nghiệp cũng xác định yếu tố liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân góp phần quan trọng trong thành công của chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực.

Theo bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại nhiều lợi ích cho cả nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và cộng đồng.

Sản xuất theo chuỗi giá trị ở Bến Tre có nhiều thuận lợi như liên kết dọc giữa một số người trồng và doanh nghiệp thu mua đã được hình thành; phần lớn hộ trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đều có quy mô diện tích còn nhỏ nhưng khu vực vùng trồng được thực hiện liền kề nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tạo được những vùng nguyên liệu tập trung.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều khó khăn như phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân vẫn chưa hài hòa dẫn đến không hình thành được mối liên kết; quan hệ mua bán giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị còn hạn chế trong việc ràng buộc hợp đồng, do đó tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người trồng và người mua sản phẩm xảy ra khi giá cả thị trường biến động.

Chính vì thế, mặc dù tỉnh Bến Tre có trên 7.200ha bưởi da xanh nhưng hiện nay mới có trên 177ha được các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ở 3 hợp tác xã và 21 tổ hợp tác tham gia theo chuỗi giá trị.

Đối với chuỗi giá trị nhãn, tỉnh Bến Tre có hai hợp tác xã Long Hòa và Tam Hiệp (huyện Bình Đại) quy mô 54ha được một công ty bao tiêu với sản lượng 300 tấn/năm, trong khi đó diện tích nhãn của tỉnh khoảng 4.000ha.

Riêng diện tích chôm chôm của Bến Tre, mặc dù tỉnh đã thành lập được 3 hợp tác xã và 11 tổ hợp tác nhưng chỉ có khoảng 13,6ha được công ty hợp đồng “ghi nhớ” tiêu thu trong tổng số gần 5.600ha chôm chôm toàn tỉnh.

Như vậy, diện tích được bao tiêu và sản lượng đầu ra của các loại quả chủ lực của Bến Tre vẫn còn rất khiêm tốn.

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu chôm chôm Thanh Việt, huyện Chợ Lách cho biết, thị trường trái chôm chôm rất rộng nhưng do nông dân sản xuất chưa đáp ứng được thị trường nên doanh nghiệp hạn chế thu mua.

Hiện nay, doanh nghiệp chưa ký kết hợp tác rõ ràng với nông dân mà chỉ dựa trên uy tín. Chính vì vậy, lúc doanh nghiệp cần hàng hóa, thu mua nông dân lại không bán, neo hàng chờ giá lên cao hơn khiến doanh nghiệp không đủ hàng để đáp ứng cho khách. Tuy nhiên, cũng có lúc công ty chưa ký kết được đầu ra dẫn đến không tiêu thụ trái cây được cho nông dân dẫn đến ứ đọng hàng.

Ông Võ Văn A, Hợp tác xã nông nghiệp Long Hòa, huyện Bình Đại cho biết nhãn Idol đang phát triển mạnh ở địa phương, đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Người dân vùng trồng nhãn Bình Đại rất mong có doanh nghiệp ký hợp đồng để xây dựng vùng trồng ổn định.

Doanh nghiệp không nên lúc nào cần hàng mới liên hệ với nông dân, còn lúc không cần thì không mua. Việc này khiến nông dân sản xuất không có đầu ra ổn định.

Doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân, nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp dẫn đến việc liên kết không gắn bó được lâu dài, chuỗi giá trị sản phẩm bị đứt gãy. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì đôi bên chưa tìm được sự hài hòa trong lợi nhuận thu được từ sản phẩm bán-mua.

[Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long]

Ở rất nhiều cuộc hội thảo đánh giá về chuỗi giá trị trái cây chủ lực của tỉnh Bến Tre, “liên kết” luôn là vấn đề được quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở “lợi ích đôi bên” vẫn luôn được nhắc lại. Để sợi dây liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bền vững, để chuỗi giá trị được thông suốt, lâu dài thì đến nay vẫn còn là bài toán phải đi tìm lời giải.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Miền Tây là một trong số ít doanh nghiệp có ký kết hợp đồng thu mua bưởi da xanh rõ ràng và bền vững với người nông dân.

Hiện nay, cơ sở Hương Miền Tây đã bao tiêu khoảng 277ha bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh, tương đương sản lượng trên 1.238 tấn/năm. Hằng năm, cơ sở phải mua thêm từ thương lái gần 7.000 tấn/năm và các hộ ngoài tổ hợp tác, hợp tác xã gần 5.000 tấn/năm.

Theo ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Miền Tây, nếu sản xuất cá nhân thì không thể nâng cao chuỗi giá trị. Vì vậy, muốn sản xuất và tiêu thụ bền vững thì phải liên kết. Và để liên kết bền vững thì cần tổ chức lại sản xuất, giữa doanh nghiệp và nông dân cần hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo ra được nhiều sản phẩm đồng đều, chất lượng cung cấp lâu dài cho thị trường.

Bến Tre: Liên kết nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản ảnh 2Thương lái thu mua bưởi da xanh. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Tiến sỹ Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cây ăn quả, việc tổ chức, liên kết sản xuất là khâu rất quan trọng nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có sản lượng lớn để đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Vì vậy, tỉnh Bến Tre cần khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn trái chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng nên đẩy mạnh hình thành liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây. Liên kết vùng thực hiện kế hoạch lịch thời vụ sản xuất rải vụ cây ăn quả chủ lực trồng tập trung như bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục