Bến Tre: Tập trung phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo

Thông qua hội thảo, tỉnh Bến Tre mong muốn các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư... chia sẻ kinh nghiệm giúp tỉnh nhận diện tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Chiều 2/10, tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo với chủ đề "Năng lượng mới và năng lượng tái tạo-Tiềm năng và nguồn lực đầu tư."

Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Tại hội thảo, lãnh đạo các ngành, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đã thảo luận, phân tích để cùng chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về giải pháp kỹ thuật và tài chính cho sản xuất hydro xanh từ điện mặt trời và điện gió, đánh giá lựa chọn công nghệ và thiết bị sản xuất hydro/amoniac xanh; đồng thời tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh và một số giải pháp để nghiên cứu phát triển cho các dự án sản xuất hydro dự kiến đầu tư tại Bến Tre.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết Bến Tre có bờ biển dài 65km, có tiềm năng lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Hiện tại, tỉnh Bến Tre đang tập trung phát triển cũng như chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn lực để phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng khí và đặc biệt là năng lượng mới hydro xanh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải carbon thấp; hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch; hydrogen sạch được xác định là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050; trong đó Bến Tre được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời để sản xuất hydrogen xanh, đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.

ttxvn_chu tich Ben Tre Tam.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bến Tre đã cấp chủ trương đầu tư và tập trung triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7MW; 09 dự án hoàn tất công tác thi công lắp dựng cơ bản với tổng công suất lắp đặt 365,9MW. Trong đó có 250,75MW đã được phát điện vận hành thương mại, công suất lắp đặt còn lại là 115,15MW nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đàm phán giá bán điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện dự án "Khu tổ hợp hydro xanh Bến Tre" làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro tại Việt Nam cùng với các dự án điện mặt trời, điện gió tự sản tự tiêu cung cấp nguồn năng lượng đầu vào cho Khu tổ hợp hydro xanh Bến Tre.

“Mong muốn qua hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện, chia sẻ về giải pháp kỹ thuật và tài chính, các tiêu chuẩn của quốc tế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Hiến kế giúp Bến Tre nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào Bến Tre,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre gửi gắm.

Theo Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bến Tre được quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo: công suất nguồn điện gió trên bờ (trên đất liền và gần bờ) đến năm 2030 là 1.100MW, công suất nguồn điện sản xuất từ sinh khối đến năm 2030 là 10MW, công suất nguồn điện sản xuất từ rác thải đến năm 2030 là 18MW, công suất nguồn điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 là 17MW, điện gió ngoài khơi cho khu vực Nam Bộ là 1.000MW…

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là hydrogen. Điều này thể hiện khát vọng phát triển năng lượng xanh, bền vững, phù hợp xu thế toàn cầu và đây cũng là chủ trương lớn của Đảng. Đặc biệt là chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị cho văn kiện cho Đại hội XIV của Đảng và hàm lượng chuyển đổi xanh trong các văn kiện này ngày càng chiếm tỷ trọng cao.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng trong 5 năm tới, Việt Nam phải phát triển một lượng điện gần bằng số lượng tích lũy trong mấy chục năm qua, đó là một thách thức rất lớn nhưng cũng mở ra cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư.

Việt Nam là một trong những quốc gia hội tụ đầy đủ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các dạng năng lượng tái tạo. Đây là một trong những tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió (trên bờ và ngoài khơi). Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đã hiện thực mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước; hiện thực hóa tầm nhìn của nhân loại về phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá rất cao tinh thần phấn đấu cùng khát vọng vươn lên của toàn hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bến Tre, với các công trình điện gió được xây dựng từ vùng đất còn nhiều khó khăn. Đây là biểu trưng cho một sức sống mới, một khí thế mới và hứa hẹn sẽ trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bến Tre.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, nhà khoa học, các nhà đầu tư, các tỉnh tham dự tại hội thảo có những đề xuất, chia sẻ các nội dung cốt lõi, cơ bản về định hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các tiềm năng và cơ hội đầu tư sâu rộng trong lĩnh vực này tại tỉnh Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung để đúc kết những kinh nghiệm, làm cơ sở ứng dụng vào thực tiễn. Đồng thời, chủ động đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành những chủ trương phù hợp nhằm đưa ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

ttxvn_ben Tre nang luong tai tao.jpg
Các đại biểu tham gia tọa đàm về phát triển năng lượng mới tại Hội thảo. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng để đạt các mục tiêu về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng cần xem xét, triển khai một số giải pháp như tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới; rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chống đầu cơ, trục lợi, lợi ích nhóm.

Cùng đó, tỉnh Bến Tre cần thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh. Đồng thời, tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, tăng cường kêu gọi đầu tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để thu hút đầu tư, nhanh chóng tiếp cận và chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.