Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh không có nguy cơ tái nhiễm trong 6 tháng

Người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhận định đây thực sự là tin tốt lành khi có thể thấy rằng mức độ đáp ứng miễn dịch được duy trì, mang lại hy vọng điều chế vắcxin phòng COVID-19.
Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh không có nguy cơ tái nhiễm trong 6 tháng ảnh 1Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Safed, Israel, ngày 19/11/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá kết quả nghiên cứu của Anh cho thấy những người đã mắc bệnh COVID-19 không có nguy cơ tái nhiễm trong ít nhất 6 tháng là một thông tin tích cực, mang lại hy vọng cho công tác nghiên cứu và phát triển vaccine phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Các trường hợp tái nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong thời gian qua đã làm dấy lên lo ngại rằng khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và các bệnh nhân bình phục vẫn có thể nhanh chóng bị tái nhiễm.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) tiến hành đối với các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19 lại cho thấy các trường hợp tái nhiễm rất ít khi xảy ra và những người đã bị nhiễm bệnh và được điều trị khỏi rất khó có nguy cơ tái nhiễm trong ít nhất 6 tháng sau lần nhiễm đầu tiên.

Phát biểu từ Geneva (Thụy Sĩ), ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nhận định đây thực sự là tin tốt lành khi có thể thấy rằng mức độ đáp ứng miễn dịch được duy trì ở người cho đến nay. Điều này cũng mang lại hy vọng cho việc điều chế vắcxin phòng COVID-19.

[Con trai cả của Tổng thống Trump, cố vấn Nhà Trắng mắc COVID-19]

Trong khi đó, bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho rằng vẫn cần theo dõi những cá nhân trên trong một thời gian dài hơn để nắm được khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu.

Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng 30 tuần, từ tháng 4 tới tháng 11 năm nay. Trong quá trình nghiên cứu, 89 trong số 11.052 nhân viên y tế không có kháng thể virus SARS-CoV-2 phát triển bệnh nhiễm trùng mới với các triệu chứng, trong khi không có trường hợp nào trong số 1.246 nhân viên có kháng thể phát triển bệnh có triệu chứng.

Các nhân viên có kháng thể cũng ít có nguy cơ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng, với 76 người không có kháng thể có xét nghiệm dương tính trong khi con số này đối với người có kháng thể chỉ là 3.

Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục theo dõi kỹ lưỡng nhóm nhân viên này để đánh giá thời gian bảo vệ kéo dài bao lâu và khả năng lần nhiễm bệnh trước đó ảnh hưởng đến diễn biến bệnh trong trường hợp họ bị tái nhiễm.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford cho biết phát hiện này sẽ mang lại sự yên tâm cho hàng chục triệu người trên thế giới đã bị mắc COVID-19 và được điều trị thành công.

Giáo sư David Eyre thuộc Khoa Nuffield về y tế dân số của Đại học Oxford, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Đây thực sự là một thông tin tốt lành, bởi chúng ta có thể tin tưởng rằng ít nhất trong ngắn hạn, hầu hết những người đã mắc COVID-19 sẽ không bị tái nhiễm"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.