Liên quan đến vụ việc học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đang dậy sóng dư luận những ngày qua đã khiến không ít phụ huynh có con em đang đến trường hàng ngày bằng phương tiện xe đưa đón của trường cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Qua sự việc này cho thấy, việc trang bị kiến thức và kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi bị bỏ quên trên xe ôtô là rất cần thiết. Đặc biệt, các trường học cũng cần thường xuyên giáo dục học sinh về kỹ năng cần thiết để tăng khả năng thoát khỏi trường hợp khẩn cấp khi bị mắc kẹt trên ôtô.
Theo chia sẻ của anh Phạm Văn Hải, chủ xe ôtô chạy hợp đồng du lịch, người có thâm niêm hơn 15 năm trong nghề lái, cha mẹ hãy chỉ cho con vị trí, cách bấm còi xe trên vô lăng bởi kể cả khi xe không khởi động thì còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp.
“Dù xe đã tắt máy nhưng còi xe vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện ra bé đang ở trong xe,” anh Hải khuyến cáo.
Mặt khác, khi bị “nhốt” trong xe, hãy chỉ cách cho trẻ bật đèn khẩn cấp (đèn Hazard) có hình tam giác và rất dễ thấy trên tablo buồng lái và được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động.
“Việc đèn khẩn cấp nháy liên tục sẽ chú ý những người xung quanh và tăng khả năng được sự trợ giúp giải cứu từ bên ngoài,” anh Hải chia sẻ.
[Cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn đưa đón học sinh bằng xe buýt]
Bên cạnh đó, theo anh Hải, các xe khách chở học sinh hầu hết có búa thoát hiểm. Trường hợp bất đắc dĩ, trẻ nhỏ có thể dùng búa thoát hiểm có đầu nhọn và chỉ một lực nhỏ cũng có thể đập vỡ kính, không cần quá nhiều sức.
“Do kính xe luôn thiết kế là kính an toàn nên khi đập vỡ kính sẽ vỡ vụn dạng hạt ngô, không có mảnh sắc nên cũng yên tâm rằng không gây tổn hại đến trẻ. Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật khác để tìm cách phá kính và thoát ra. Nếu không, việc phá kính cũng giúp cho không khí trong xe bớt ngột ngạt, hoặc người ngoài có thể dễ dàng nghe thấy tiếng trẻ kêu cứu,” tài xế Hải nói.
Với cấu tạo thiết kế kính trước vô lăng luôn là kính trong để tài xế quan sát đường, vì thế, trong trường hợp bị bỏ quên trên xe, trẻ em nên đứng ở phần kính trước vô lăng để vẫy người phía ngoài nhằm thu hút sự chú ý.
Trường hợp không thể mở cửa, hãy dạy trẻ tìm xem trong xe có những vật dụng có thể liên lạc với bên ngoài không, như điện thoại. Trẻ em trong thời đại công nghệ hiện nay thường biết sử dụng điện thoại từ rất sớm, do đó nếu có điện thoại trong tay, khả năng các em liên hệ được với ba mẹ, hay những số điện thoại khẩn cấp để thoát ra ngoài là rất cao.
“Đặc biệt, cha mẹ cần dạy con bình tĩnh bởi trong không gian kín và oxy có hạn, việc la hét hay khóc lóc chỉ làm trẻ mất sức nhanh hơn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn,” anh Hải nhấn mạnh.
Anh Hải cũng khuyến nghị các gia đình nên dạy trẻ mở cửa xe. Trong trường hợp bị bỏ quên trên xe, trẻ cần mở thử tất cả các cửa bởi nhiều trường hợp có cửa chưa đóng hẳn.
“Ở nhiều loại xe, cửa xe tài xế vẫn có thể mở được từ bên trong. Ở một số loại xe khác, khi cố ý mở cửa mà không có chìa, xe tự động mở còi chống trộm, điều này cũng gây chú ý cho mọi người xung quanh. Với những xe đời cũ có cửa sổ mở bằng tay, việc thử dùng sức mở các cửa này cũng là một cách có thể giúp trẻ thoát thân,” anh Hải cho biết.
Trước đó, như Báo điện tử VietnamPlus đã đưa tin, chiều ngày 6/8, cháu L.H.L, học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị phát hiện ở trên xe buýt đưa đón học sinh của trường trong tình trạng tím tái. Nhà trường đã đưa cháu L. đến Bệnh viện E để cấp cứu, nhưng cháu L. đã không qua khỏi.
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ Luật hình sự đối với vụ bé L.H.L bị bỏ quên trên xe buýt, xảy ra tại Trường Tiểu học Gateway ngày 6/8./.