Bí mật dưới lòng hang: Phát hiện di cốt người tiền sử ở Tây Nguyên

Lần đầu tiên, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú và di cốt của người tiền sử trong các hang động núi lửa ở khu vực Tây Nguyên.
Bí mật dưới lòng hang: Phát hiện di cốt người tiền sử ở Tây Nguyên ảnh 1Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Cường giới thiệu về di cốt người tiền sử (đã được phục hồi) tìm thấy ở khu vực hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đăk Nông). (Ảnh: P. Mai/Vietnam+)

Qua quá trình khai quật khảo cổ học tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đăk Nông), lần đầu tiên, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú và di cốt của người tiền sử trong các hang động núi lửa; từ đó, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalte Tây Nguyên.

Thông tin trên được tiến sỹ La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) cho biết tại Hội nghị Thông báo kết quả khai quật sơ bộ, bước đầu trong hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đăk Nông diễn ra sáng nay (18/9) tại Hà Nội.

Phát hiện di cốt người tiền sử

Đợt 1 quá trình khai quật (diễn ra trong nửa đầu năm 2018) tại hang C6.1 và C6’ thuộc địa bàn thôn xã Nam Đà (huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã ghi nhận trong hang động này còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử.

Theo đó, con người xuất hiện ở đây sớm nhất vào giai đoạn Sơ kỳ Đá mới (có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000-10.000 năm), tiếp sau là cư dân Trung kỳ Đá mới (cách ngày nay khoảng 6.000-7.000 năm). Con người rời hang vào giai đoạn Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí (cách ngày nay khoảng 3.000 năm).

[Công viên địa chất hang động núi lửa Krông Nô mở cửa từ năm 2016]

Các nhà khoa học đã tìm thấy ba di tích mộ táng có di cốt người (nằm trong khoảng độ sâu 0,75-1,40m) và dấu vết của 10 cá thể (trong đó có cả di cốt của trẻ nhỏ, thiến niên và người trưởng thành) ở hố đào C6.1 thuộc địa bàn thôn xã Nam Đà (huyện Krông Nô, Đắk Nông).

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Cường (Hội Khảo cổ học Việt Nam), những ngôi mộ trên có niên đại cách ngày nay khoảng 6.100 năm.

“Nhiều chuyên gia hàng đầu ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đều nói rằng, trước đây, chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa. Hơn nữa, môi trường đất đỏ basalte vốn không bảo tồn được di cốt. Tuy nhiên, người cổ sống trong hang núi lửa này đã tìm được nguồn thức ăn là các loại nhuyễn thể. Vỏ của các loại nhuyễn thể này (trai, ốc, hến…) giàu canxi đã làm thay đổi môi trường và giúp cho di cốt trong hang được bảo quản,” ông Nguyễn Lân Cường phân tích.

Bí mật dưới lòng hang: Phát hiện di cốt người tiền sử ở Tây Nguyên ảnh 2Một hang động núi lửa được tạo nên từ dòng chảy của dung nham. (Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: TTXVN)

Bởi vậy, việc phát hiện ra di cốt người cổ trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên là phát hiện “chấn động,” bước ngoặt quan trọng của ngành cổ nhân học Việt Nam. Đây là những bằng chứng quan trọng để tìm hiểu về người cổ sống ở khu vực Tây Nguyên cách đây hàng nghìn năm.

Mối liên hệ với cư dân vùng biển

Nhiều loại hình di vật, di tích khác cũng đã phát lộ quá trình khai quật tại hang C6.1 và C6’. Điển hình, lần đầu tiên, giới chuyên môn phát hiện một loại hình di vật mới ở Tây Nguyên - vỏ ốc biển. Đây là minh chứng cho mối quan hệ giữa cư dân vùng này với cư dân vùng biển.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã tìm thấy ba hố đất đen (là di tích của các bếp lửa và rác bếp), nhiều hiện vật đá (chủ yếu là các loại công cụ lao động như rìu, hòn ghè, bàn mài...), đồ gốm đất nung (phần lớn là nồi, bát, bình nhỏ…).

Bí mật dưới lòng hang: Phát hiện di cốt người tiền sử ở Tây Nguyên ảnh 3Một số hiện vật thu được sau quá trình khai quât. (Ảnh: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam)

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại xương động vật (lợn rừng, tê giác, mèo…) và nhiều di vật là những mũi nhọn làm từ các mảnh xương chi động vật. Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử (Hội Khảo cổ học Việt Nam), đây là loại hình công cụ khá độc đáo, hiếm thấy trong các di tích tiền sử trên địa bàn Tây Nguyên.

Các hiện vật tìm được cho thấy, cư dân tiền sử ở đây lựa chọn các hang động núi lửa cho những mục đích khác nhau: sử dụng làm nơi cư trú lâu dài hoặc trại săn bắt tạm thời…

“Những phát hiện khảo cổ học mới nói trên là các bằng chứng khoa học rất có giá trị, sức thuyết phục lớn để bổ sung vào hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO xem xét công nhận Công viên địa chất hang động núi lửa Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trung Minh (Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết.

Hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2007. Theo tiến sỹ La Thế Phúc, với độ dài khoảng 25km, đây là hệ thống hang động có quy mô và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á.

Bí mật dưới lòng hang: Phát hiện di cốt người tiền sử ở Tây Nguyên ảnh 4Dấu vết dòng nham thạch bám trên vách hang C6-1. (Ảnh: PGS Nguyễn Lân Cường)

Trong hang có nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.