Sớm lập đề án hang động núi lửa Đắk Nông là công viên địa chất

Thời gian tới Đắk Nông sẽ sớm xây dựng đề án trình Chính phủ quyết định và ghi nhận hệ thống hang động núi lửa Đắk Nông là Công viên địa chất cấp quốc gia.
Sớm lập đề án hang động núi lửa Đắk Nông là công viên địa chất ảnh 1Trong lòng một hang động núi lửa. (Ảnh: Hoàng Văn Ngoạn/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, thời gian tới tỉnh này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án trình Chính phủ quyết định và ghi nhận hệ thống hang động núi lửa Đắk Nông là Công viên địa chất cấp quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ cho biết hang động núi lửa khu vực Krông Nô cùng với các danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên khác trên địa bàn tỉnh sẽ tạo ra điểm đến rất hấp dẫn cho du khách cũng như cho các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho người dân địa phương khi quanh khu vực hệ thống hang động núi lửa (khoảng 2km) là Khu du lịch thiên nhiên thác Đay Sáp (trong khu du lịch có thác Đray Sáp, thác Đray Nur và thác Gia Long) nổi tiếng tại Việt Nam, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Võ Văn Tâm, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp cho biết việc các nhà khoa học Nhật Bản cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xác định cơ sở ban đầu tại Khu du lịch Đray Sáp có một quần thể hang động núi lửa, là một tin vui. Bởi vì nơi đây đã được nhà nước công nhận khu du lịch cấp Quốc gia gồm 2 danh thắng là thác Đray Sáp và thác Gia Long.

Từ thác Đray Sáp chạy dài đến núi lửa Chư B'Luk là một giàn đá Bazan xếp từng khối lớn với hình thù khác nhau chạy dài bên triền sông Sêrêpốc, tạo nên cảnh đẹp hoang sơ và thơ mộng. Việc phát hiện các hang động núi lửa này, sẽ tạo điều kiện cho địa phương trong tương lai phát triển mạnh ngành du lịch.

Với những giá trị cao cả về khoa học lẫn du lịch, bà Lệ cho biết tỉnh Đắk Nông sẽ bổ sung hang động núi lửa vào quy hoạch phát triển du lịch để các địa phương cũng như các sở, ngành thống nhất quản lý và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, bảo vệ di sản thiên nhiên này tốt hơn.

Đắk Nông cũng sẽ xây dựng các chính sách tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút đầu tư vào tỉnh.

Vừa qua, các nhà khoa học Nhật Bản cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã công bố thông tin ban đầu về một số hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Đây là phát hiện lớn nhất về mặt khoa học và có giá trị về du lịch tại Tây Nguyên năm 2014.

Hệ thống hang động này nằm trong khu vực Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô) từ xã Buôn Choah chạy dọc theo sông Sê Rê Pôk đến thác Đray Sáp có chiều dài 25 km. Trong hệ thống hang động này, có rất nhiều hang lớn nhỏ với kích thước và hình dạng khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã nghiên cứu, khảo sát chi tiết được 3 hang trong khu vực này là các hang C7, C3, A1. Trong đó, C7 là hang núi lửa dạng ống với chiều dài hơn 1 km và đây là hang dung nham núi lửa lớn nhất Đông Nam Á. Các hang khác là, Hang C3 dài 594,4 mét, Hang A1 dài 456,7 mét, Hang Dơi 1 và Hang Dơi 2 dài 545m.

Các hang động núi lửa này có những nét đặc trưng và độc đáo riêng. Phần lớn các hang có hình ống; trong một số hang có ngã rẽ, một số ngã rẽ thông nhau tạo thành những vòng tròn. Các nhà khoa học phát hiện thấy một số động vật như: các loài dơi, rắn, ếch, ốc sên sinh sống trong những hang này. Trong hang động, có nhiều cấu trúc đặc trưng về hình dạng bề mặt đá Bazan đã phản ánh quá trình hoạt động núi lửa phun trào trên lục địa cách đây hàng triệu năm.

Trong các hang được hình thành các ngấn nham thạch hằn lên vách đá, đã cho biết dòng chảy dung nham Bazan phun trào theo từng nhịp trong quá trình hoạt động của Macma.

 Hệ thống hang động núi lửa này có chiều dài khoảng 25km, kéo dài từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Hệ thống hang động núi lửa này có chiều dài khoảng 25km, kéo dài từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Trong lòng một hang động núi lửa. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Trong lòng một hang động núi lửa. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Bên trong hang rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc đặc trưng của động núi lửa với dòng các ngấn dung nham phun ngược, hố sụt, các di tích thực vật, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ, hiếm thấy ở các hang động núi lửa trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Bên trong hang rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc đặc trưng của động núi lửa với dòng các ngấn dung nham phun ngược, hố sụt, các di tích thực vật, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ, hiếm thấy ở các hang động núi lửa trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Những phiến đá được hình thành do dung nham cách nay hàng triệu năm. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Những phiến đá được hình thành do dung nham cách nay hàng triệu năm. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Rễ cây rừng xuyên qua lớp đá trầm tích vào trong hang. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Rễ cây rừng xuyên qua lớp đá trầm tích vào trong hang. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Bề mặt thành hang động rất ít nhũ đá. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)
Bề mặt thành hang động rất ít nhũ đá. (Ảnh: Văn Ngoạn/TTXVN)

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, loại hang núi lửa khu vực này thuộc dạng hiếm trên thế giới với những dòng thạch nhũ dung nham, những dấu vết của những phiến đá Bazan nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang, thể hiện lượng dung nham phun trào núi lửa và hướng chảy của dòng dung nham.

Sự có mặt của khuôn cây nham thạch ở phía trên hoặc bên trong hang đã chứng tỏ nơi này cách đây hàng triệu năm là một khu rừng. Khi núi lửa phun trào dòng dung nham và tiếp xúc với không khí, nguội dần và đông cứng, để lại trên thành hang những vệt hoa văn tự nhiên rất đẹp.

Trong hang, dấu vết “khuôn” của những thân cây gỗ có kích thước khác nhau và để lại dấu vết thạch nhũ trong cả những đoạn hang hình ống. Theo các nhà địa chất, nguyên nhân do dòng dung nham nóng chảy với nhiệt độ trên 1000 độ C khi cuốn qua những cây gỗ to, sẽ làm cháy thân cây từ ngoài vào trong, nhưng cháy không hết. Sau một thời gian, những thân cây này mục dần và tạo thành những đoạn hình ống.

Anh Nguyễn Thanh Tùng sinh sống gần khu vực này từ những năm 80, là người đã từng tìm hiểu nhiều hang động nơi đây cho biết: "Những hang này có từ thời xa xưa, người dân bản địa gọi là hang Chư B'luk, những người thợ săn gọi là hang dơi vì trong hang rất nhiều dơi."

Cũng theo anh Tùng, trong khu vực này anh đã đi và tìm thấy khoảng gần 100 hang lớn nhỏ, chiều dài các hang trên dưới 100m.

Ngoài những hang lớn do các nhà khoa học vừa công bố, khu vực này có nhiều hang nhỏ hơn, một số hang có nước sạch và trong vắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục