Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Theo dự thảo Nghị định, các đối tượng thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ được gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất.
Giải pháp này được kỳ vọng sẽ phần nào hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các nhóm cá nhân, hộ gia đình vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch chưa được khống chế và đang tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, trong nước nói riêng.
Cụ thể, các đối tượng được Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất gồm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống).
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải); dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Thuộc đối tượng hưởng lợi từ dự thảo nghị định này, bà Đan Thúy Hồng, đại diện Công ty cổ phần Du lịch thương mại Tây Hồ, cho biết đây là một chính sách tốt, sẽ được ban hành kịp thời để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa được khống chế.
[Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng]
Tuy nhiên, chính sách này liệu có đem lại hiệu quả thiết thực gắn với sự sống còn của doanh nghiệp hay không lại là chuyện khác. Bởi lẽ, đối với nhiều doanh nghiệp, tình trạng buộc phải đóng cửa hay tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh như hiện nay theo chỉ đạo của chính quyền địa phương hay do quan ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh đều đồng nghĩa với việc không có doanh thu. Nếu không có doanh thu thì không thể phát sinh thuế, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng lẫn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do đó, bà Thúy, cho rằng việc giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế không có ý nghĩa nhiều với những trường hợp trên.
Bà Thúy cho rằng vấn đề quan trọng với các doanh nghiệp hiện nay là các khoản vay, lãi suất vay và thời gian trả nợ vay. Nếu Chính phủ và các tổ chức tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi suất, khoanh nợ vay đến hạn trả, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp... thì mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước đại dịch COVID-19.
Hơn nữa, thông tin này trên phương tiện truyền thông đã thấy nhiều, tuy nhiên đại diện ngành thuế và chính quyền địa phương chưa tiến hành việc rà soát, ghi nhận ý kiến doanh nghiệp. Do đó, bà Thúy đề nghị khi chính sách được ban hành, các cấp thực thi cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để giúp các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước nhanh chóng phát huy hiệu lực, hiệu quả và mang lại ý nghĩa cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng lâm nghiệp là ngành kinh tế-kỹ thuật rất rộng, đang phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng rừng, khai thác gỗ, chế biến và thương mại gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ và đã trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu. Do đó, dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cần bổ sung thêm ngành nghề chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ (tre, nứa, song mây…).
Về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét gia hạn thuế giá trị gia tăng phải nộp từ tháng 3 gia hạn đến hết tháng 12/2020 và thuế đất phải nộp gia hạn đến hết tháng 12/2020. Bởi lẽ, dịch COVID-19 gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất/nhập khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện các đơn hàng đã ký năm 2019. Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới.
Hơn nữa, do chuỗi cung phụ kiện bị gián đoạn nên doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc phải nâng giá mua các loại phụ kiện làm chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành gỗ vốn sử dụng nhiều lao động nên đang gặp rủi ro cao do dễ bị phong tỏa và cách ly khi có dấu hiệu công nhân nhiễm bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp chưa nắm được hoặc chưa được phổ biến dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, đơn vị chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng công nghiệp, điện tử chia sẻ ngành cơ khí, điện tử đang là những ngành gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Chuỗi cung ứng phụ kiện bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp, trong đó có SKD phải sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên phụ liệu.
Việc Bộ Tài chính dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất 5 tháng, doanh nghiệp chưa nắm được rõ các thông tin liên quan đến cơ chế hỗ trợ này. Tuy nhiên, qua nhận định ban đầu, mọi sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng trong lúc này với doanh nghiệp là rất đáng quý, dù chỉ là 5 tháng.
Ông Kết cho biết hiện doanh nghiệp chưa nắm được phải đảm bảo những điều kiện gì để được hưởng mức hỗ trợ đưa ra, do vậy, ông đề nghị các cơ quan liên quan thông báo tới các hội, ngành nghề hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp nắm bắt được.
Doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để tìm kiếm lại nguồn cung hàng hóa. Hiện tình hình dịch bệnh phía Trung Quốc diễn biến tích cực hơn, điều này dự báo sẽ tạo thuận lợi cho việc nối lại các mắt xích cung ứng trước đó.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn khó khăn trong kết nối bạn hàng, nguồn vốn để duy trì khó khăn trong lúc này. Do vậy, nhà nước có thể tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay cả về mức độ hỗ trợ, độ phủ tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, ông Kết kiến nghị có thể kéo dài thêm từ 6-8 tháng, bởi tình hình dịch bệnh dự kiến vẫn hết sức phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước.
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp thương mại dịch vụ Hà Giang, cho biết hợp tác xã không nhận được thông tin từ các đơn vị chức năng về dự thảo Nghị định này. Nhưng là đơn vị sản xuất nông sản, hàng hóa, từ khi có dịch COVID-19, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa đang phải lưu kho, bảo quản nên hợp tác xã phát sinh chi phí không ít. Các hợp tác xã rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước ở mọi lĩnh vực như tín dụng, thuế.
Theo ông Phạm Văn Dũng, do không biết tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đến bao giờ, thị trường xuất khẩu khi nào hoạt động trở lại bình thường nên hợp tác xã đề nghị Nhà nước gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có thời gian dài.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc nên việc xuất khẩu rất khó khăn.
Không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, với tình hình dịch hiện nay thì tất cả các doanh nghiệp, các lĩnh vực đều bị tác động, bị thiệt hại bởi dịch. Nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về thuế và tiền thuê đất thì doanh nghiệp sẽ giảm bớt phần nào khó khăn, bà Thu nói.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, các doanh nghiệp cần ngay lúc này hơn cả là nguồn vốn tín dụng. Doanh nghiệp mong muốn có mức hỗ trợ về lãi suất vay cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Theo Dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch, với đối tượng nộp thuế theo tháng, Chính phủ sẽ gia hạn thời hạn 5 tháng số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020. Với đối tượng nộp theo quý, Chính phủ gia hạn 5 tháng số thuế VAT phát sinh phải nộp của quý 1 và quý 2/2020.
Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số thuế VAT phải nộp và hồ sơ khai bổ sung gửi đến cơ quan thuế trước thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Về gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thuộc các ngành kinh tế, thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất./.