Ngày 27/3, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã tổ chức Hội nghị lần thứ 4, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của thành phố quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2016.
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã thống nhất đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý 2 năm 2016. Cụ thể, thành phố khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố, tạo chuyển biến bước đầu ngay trong năm 2016; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình thực hiện Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), gia nhập cộng đồng ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do (FTA)…
Thành phố tiếp tục thực hiện giải pháp đầu tư, tăng cường quản lý để giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, cung cấp nước sạch cho nhân dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình nhà ở, cải cạo chung cư cũ, hư hỏng nặng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân...
Thành phố cũng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính với tinh thần “Vì dân hành động”, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Thành phố cũng tăng cường trấn áp, tấn công tội phạm; chấn chỉnh trật tự lòng lề đường; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối trong thời gian tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2016, kinh tế thành phố có chuyển biến tích cực; tổng sản phẩm nội địa tăng 7,1% (cùng kỳ tăng 6,9%), dịch vụ tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 7,37%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,25% (cùng kỳ tăng 5,63%); thu ngân sách Nhà nước ước đạt 24,12% dự toán, tăng 0,92% so cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt. Tình hình đầu tư của doanh nghiệp trong nước tăng khá cao (tổng vốn đăng ký và bổ sung đạt 83.630 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ); các chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ổn định và phát triển sản xuất-kinh doanh.
Thành phố thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tập trung chăm lo các đối tượng diện chính sách, công nhân, lao động nghèo, hộ nghèo… Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm được chỉ đạo, triển khai quyết liệt; việc kéo giảm tội phạm đã có chuyển biến tích cực.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội quý 1 năm 2016.
Ông Thăng yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt, nhận thức về vai trò, vị trí “đầu tàu” của thành phố, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sức mạnh vật chất để đưa thành phố phát triển nhanh và mạnh hơn.
Thành phố cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để xây dựng cơ chế đột phá nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố và đẩy mạnh liên kết vùng; tiếp tục kiên trì kiến nghị Trung ương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho thành phố trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với đặc điểm đô thị đặc biệt; thiết lập cơ chế quản trị hiện đại của bộ máy hành chính phục vụ cho tổ chức, doanh nghiệp, công dân trên cơ sở công khai, minh bạch; phấn đấu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đặc khu kinh tế của cả nước.
Liên quan đến định hướng phát triển lâu dài cho thành phố trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành một đặc khu về kinh tế chứ không phải thành phố nỗ lực xây dựng nhiều đặc khu kinh tế trên địa bàn; đồng thời có cơ chế cụ thể xây dựng liên kết vùng cho khu vực.
Trong tình hình hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng được cơ chế quản trị của riêng thành phố, không rập khuôn các tỉnh, thành phố khác mà phải học tập mặt tích cực của các địa phương khác cũng như của các thành phố hiện đại trên thế giới.
Đối với công tác cải cách hành chính, các đơn vị có liên quan cần xây dựng một nền hành chính phục vụ; duy trì và thành lập các đường dây nóng để giải quyết bức xúc, nguyện vọng của nhân dân; xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, đồng thời phải công khai minh bạch, chuyển bộ máy hành chính công sang bộ máy hành chính phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp. Thành phố cần khẩn trương xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế được sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp để hạn chế tiêu cực./.