Chiều 25/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đã đối thoại với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước với chủ đề "Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên".
Nội dung đối thoại trực tuyến năm nay xoay quanh các vấn đề về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên nhằm nêu cao khát vọng cống hiến của thanh niên để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chủ trương đã được xác lập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; hiến kế để tổ chức Đoàn trong tham gia khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.
[Dấu ấn ra đời và những thành quả vinh quang của Đoàn Thanh niên]
Trong buổi đối thoại, đoàn viên, thanh niên được trao đổi thêm các ý kiến về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ, phát huy đoàn viên, thanh niên trong, ngoài nước; đề xuất các mục tiêu, giải pháp trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, thiếu nhi thời gian tới, phục vụ cho quá trình xây dựng văn kiện đại hội Đoàn các cấp, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, thực hiện thắng lợi chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022.
Trả lời câu hỏi về giải pháp tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục triển khai để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên đường chinh phục đỉnh cao tri thức, nhất là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực học tập, khởi nghiệp từ anh Nguyễn Văn An - đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty cổ phần Sách và Hành động, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong thời gian tới, toàn Đoàn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tham gia xây dựng xã hội học tập thông qua việc thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; triển khai hiệu quả và tôn vinh học sinh-sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ qua các danh hiệu Sinh viên 5 tốt, Học sinh 3 tốt, Học sinh 3 rèn luyện, Nhà giáo trẻ tiêu biểu…
Đồng thời, tổ chức Đoàn các cấp ích cực nhân rộng các mô hình, hoạt động hỗ trợ học sinh sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ học tập, nghiên cứu khoa học; tăng cường ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến; xây dựng kênh thông tin chia sẻ học liệu mở dùng chung cho học sinh, sinh viên; phát triển các quỹ, học bổng, giải thưởng về học tập, nghiên cứu khoa học.
Với lĩnh vực khởi nghiệp, bên cạnh việc phát huy hiệu quả những hoạt động đã được tổ chức trong thời gian qua, giai đoạn tới Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo phương thức xã hội hóa; vận động, kết nối các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng của thanh niên, sinh viên thông qua các chương trình, hoạt động của các cấp bộ Đoàn...
Đối với câu hỏi trực tuyến của chị Nguyễn Thảo Nhi, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore về cách thức cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa tinh thần, khát vọng cống hiến của thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập tại nước ngoài, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: "Khi bạn đã có tinh thần và khát vọng cống hiến thì dù bạn ở đâu cũng có thể cống hiến. Hiện Trung ương Đoàn có tới 21 tổ chức đoàn tại nước ngoài, cùng mạng lưới trí thức trẻ sinh viên toàn cầu lên tới 10.000 người. Đây là những cơ chế quan trọng để chúng tôi chia sẻ tình hình thanh niên trong nước với nước ngoài, đồng thời tiếp nhận những đóng góp của các bạn trẻ nước ngoài cho tổ chức đoàn trong nước."
Đặc biệt, từ năm 2018, Trung ương Đoàn cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức thường niên Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với mong muốn để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong, ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.
"Tôi thấy rằng không nên ngồi chờ thay đổi cơ chế, thay đổi chính sách mới về nước làm việc mà hãy lên nói lên tiếng nói của mình để đóng góp, để xây dựng cơ chế mới phù hợp với nhu cầu của bản thân, hay có thể ở nước ngoài mà vẫn đóng góp cho các cơ quan trong nước," Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn nói.
Chị Nguyễn Thị Thương (Bí thư Đoàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đặt câu hỏi về giải pháp giúp học sinh hướng nghiệp ngay từ đầu để học sinh có thể chọn đúng ngành nghề mình đã chọn và có việc làm đúng ngành được đào tạo khi tình trạng hiện nay đa số sinh viên ra trường đều không làm việc theo ngành đã đào tạo mà đi làm nghề khác.
Trả lời câu hỏi này, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, về mặt xã hội đây đúng là vấn đề đáng suy nghĩ, đồng thời khẳng định Trung ương Đoàn đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo test về xu hướng nghề nghiệp. Các bạn học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có thể sử dụng để tham khảo được sự phù hợp nghề nghiệp của mình đối với công việc định lựa chọn.
Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, phối hợp với ngành Giáo dục đào tạo và Lao động - Thương binh và xã hội. Nhấn mạnh nghề nghiệp của mỗi thanh niên không chỉ phụ thuộc vào nhà trường, Đoàn mà còn gia đình và chính nhận thức của bạn thanh niên đó, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn cũng kêu gọi đoàn viên, thanh niên nỗ lực tìm tòi để chọn được con đường đi đúng, phù hợp cho mình.
Theo Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, khi không có mong muốn khẳng định trong những công việc nhỏ, việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ chệch hướng, không lựa chọn đúng: “Không quan trọng làm gì, giữ vị trí gì mà quan trọng đóng góp được gì nơi chúng ta học tập, công tác”.
Tại buổi đối thoại, Bí thư thứ Nhất và các Bí thư Trung ương Đoàn cùng đại diện các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương trả lời câu hỏi trực tiếp và các câu hỏi được tổng hợp trước. Những câu hỏi chưa được trả lời trực tiếp trong buổi đối thoại sẽ được đăng tải câu trả lời trên website http://doanthanhnien.vn và các nền tảng số của Đoàn./.