Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tập hợp, giáo dục đoàn viên, thanh niên, tạo môi trường giúp thanh niên phát huy vai trò xung kích, trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào đấu tranh cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tham gia tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế ngày nay.
Đoàn Thanh niên đã đưa tuổi trẻ vào rèn luyện trong môi trường tập thể có tổ chức, có kỷ luật, từ đó bồi dưỡng, rèn luyện nên nhiều lớp cán bộ trong các thời kỳ cách mạng. Nhiều lớp thanh niên đã trưởng thành, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2021), phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.
- 90 năm xây dựng, rèn luyện và phát triển là một chặng đường dài hết sức có ý nghĩa của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cùng với việc khẳng định truyền thống, theo đồng chí, dấu mốc này đặt ra những yêu cầu như thế nào đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức Đoàn trong thời kỳ mới để tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho đất nước, nhất là trong việc góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Chúng ta tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội đã quyết nghị những định hướng quan trọng, dài hạn trong phát triển đất nước, xác lập mục tiêu đến năm 2030 và khát vọng, tầm nhìn đến năm 2045 với mong muốn xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, hùng cường như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Nghị quyết của Đại hội cũng đặt thanh niên ở vị trí trung tâm của vấn đề trong ba mục tiêu đột phá, đặc biệt là đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để bám sát yêu cầu phát triển, bảo vệ Tổ quốc; song phải gần gũi hơn, tích cực chăm lo cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp, thiết thân của thanh niên; bồi dưỡng, phát huy thanh niên để các bạn đóng góp được nhiều nhất cho mục tiêu phát triển của đất nước.
Theo tôi, Đảng đặt những mục tiêu đến năm 2030 và 2045 với tầm nhìn rất dài hạn như vậy cũng với hy vọng là sau 25 năm, chính các em nhỏ được sinh ra trong những năm này đến năm 2045 sẽ trở thành những chủ nhân của đất nước. Khi đó các em đã 25 tuổi, đây là một thế hệ thanh niên mới, do đó cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác giáo dục của Đoàn về đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, về lý tưởng cách mạng... Tất cả phải tiếp tục được đổi mới để chúng ta có một lớp thanh niên vào năm 2045 không chỉ giỏi về chuyên môn, không chỉ thực sự có năng lực hội nhập với toàn cầu, trở thành những công dân toàn cầu mà còn có bản lĩnh, khí phách, trí tuệ, nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chính vì vậy, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn không phải là dịp kỷ niệm thông thường. Đây là cơ hội để Đoàn nhìn nhận, đánh giá, đúc kết lại những giá trị cốt lõi được hun đúc qua nhiều thế hệ, đồng thời cũng nhìn ra những điểm còn hạn chế, những khiếm khuyết của mình, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây khi có lúc chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước cũng như sự biến động đa dạng trong đời sống thanh niên.
Chính sự nhìn lại, đánh giá đó sẽ giúp tổ chức Đoàn có được sự định hình đầy đủ, rõ ràng hơn trong quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; trong quá trình đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh niên, để có nhiều hơn những thanh niên ưu tú, những đảng viên trẻ, đoàn viên có chất lượng, đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước, hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào năm 2045.
- Để kỷ niệm dấu ấn đặc biệt 90 năm Ngày thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có những chương trình, hoạt động cụ thể, hướng đến những nhóm đối tượng nào, thưa đồng chí?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Chúng tôi đặt ra yêu cầu đợt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn phải được tổ chức một cách rộng khắp, lan tỏa, có trọng tâm, trọng điểm, không chỉ ở cấp Trung ương mà còn tất cả các cấp bộ Đoàn cơ sở cũng như các cấp bộ đoàn và các tổ chức thanh niên Việt Nam ở ngoài nước. Chúng tôi mong muốn đây là đợt hoạt động thực chất của thanh niên, của đoàn viên, vì đoàn viên. Chính vì vậy, tuyến hoạt động được thiết kế theo 5 nhóm đối tượng.
Với cán bộ đoàn các thời kỳ, sẽ có những hoạt động gặp gỡ, ôn lại truyền thống của cán bộ đoàn các cấp, tùy từng cấp sẽ có quy mô khác nhau để những người đã, đang làm công tác thanh niên, công tác Đoàn có dịp gặp gỡ, ôn lại truyền thống. Ngoài những buổi gặp mặt, chúng tôi còn tổ chức các hội thảo, tọa đàm, giao lưu... rất đa dạng.
Nhóm đối tượng thứ hai mà chúng tôi hướng đến và cũng là nhóm rất quan trọng, đó chính là các bạn đoàn viên, những người đang đứng trong tổ chức Đoàn. Tổ chức Đoàn các cấp có kế hoạch tổ chức nhiều cuộc thi, hội thảo khoa học, tọa đàm, các hành trình về nguồn, đến thăm các địa chỉ đỏ, các lễ kỷ niệm, lễ mít tinh, các hoạt động biểu dương, tôn vinh đối với thanh niên tiêu biểu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, cán bộ đoàn cơ sở tiêu biểu..., tạo sự lan tỏa rộng rãi trong các đối tượng cán bộ đoàn ở cơ sở và đoàn viên.
[Kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn, tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô]
Đối tượng thứ ba cần quan tâm là các bạn thanh niên. Đoàn là tổ chức của những thanh niên tiên tiến và ưu tú nhất, nhưng Đoàn cũng có trách nhiệm dẫn dắt, giáo dục thanh niên nói chung, định hướng cho thanh niên thông qua các tổ chức thanh niên của mình như Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Thầy thuốc trẻ... Trong dịp này, từng hội, từng tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đều có các hoạt động, kế hoạch, chương trình kỷ niệm, chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đoàn.
Đồng thời, Trung ương Đoàn cũng chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức đồng loạt Ngày hội Thanh niên Việt Nam vào đúng ngày 26/3 dành cho các đối tượng tương đối đặc thù hiện nay: thanh niên dân tộc; thanh niên, tín đồ tôn giáo; thanh niên công nhân; thanh niên trên địa bàn đô thị; thanh niên học sinh, sinh viên. Chúng tôi mong muốn 90 năm không chỉ là dịp kỷ niệm dành cho cán bộ đoàn, đoàn viên phải là dịp kỷ niệm của toàn bộ thanh niên Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Đối tượng thứ tư cần hướng đến là các em thiếu nhi, đội viên. Đây chính là tương lai của Đoàn theo đúng quan điểm: xây dựng Đội vững mạnh là xây dựng Đoàn trước một bước. Chúng tôi có nhiều hoạt động giáo dục về truyền thống của Đoàn cho các em thiếu nhi như tổ chức các sân chơi, hoạt động giáo dục truyền thống như Cuộc thi video clip thiếu nhi hát quốc ca ở các địa chỉ đỏ, Ngày hội thiếu nhi vui khỏe, Tiến bước lên Đoàn..., với mong muốn chuyển tải nhiều bài học ý nghĩa, những câu chuyện về các gương anh hùng trẻ tuổi, khát vọng lý tưởng của những lớp thanh niên đi trước để các em thiếu niên, nhi đồng có thể cảm nhận, thấm thấu, hiểu dần dần từng việc. Đây cũng chính là thể hiện sự chăm lo của Đoàn đối với Đội, đối với thiếu niên, nhi đồng, nhưng cũng là chúng ta chuẩn bị trước một bước để có một lớp Đoàn viên, thanh niên mới trong tương lai toàn diện hơn.
Đối tượng thứ năm cần hướng tới là người dân, cộng đồng. Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân. Đoàn chỉ có sức sống, lớn mạnh và khẳng định được vai trò của mình khi được Đảng chăm lo, quan tâm, song cũng chỉ khi được nhân dân đùm bọc, đón nhận, đồng tình ủng hộ. Vì vậy, Đoàn đã phát động thực hiện rất nhiều công trình, phần việc thanh niên, các hoạt động xã hội, chương trình hướng đến việc đảm nhận thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại từng cơ quan, địa phương, đơn vị... để góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó có thanh thiếu nhi.
Trong những ngày vừa qua, đặc biệt từ khi phát động đợt thi đua cao điểm hướng đến chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng và chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đoàn, nhóm hoạt động này được các cấp bộ Đoàn tổ chức rất tốt thông qua hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân; đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên; triển khai các hoạt động an sinh xã hội, các đợt thi đua trong từng cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy, công trường... Có thể nói đợt sinh hoạt đã tạo thành một sức sống khẳng định vai trò xung kích của những người trẻ; đồng thời xây dựng được mối quan hệ gắn bó máu thịt và nhận được sự đồng tình, ủng hộ, ghi nhận, đánh giá của cộng đồng, của người dân.
Không dừng lại ở đó, đợt kỷ niệm 90 năm cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và đi tới. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mong muốn được đón nhận những ý kiến góp ý, hiến kế của các bạn đoàn viên, thanh niên; của cấp ủy, chính quyền các địa phương; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân... thông qua các chương trình, hoạt động như hội thảo khoa học, đối thoại trực tuyến của Ban Bí thư với đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước... nhằm lắng nghe những góp ý, hiến kế.
Nhiều diễn đàn trên hệ thống báo chí của tổ chức Đoàn cũng được mở từ nhiều tháng nay để lắng nghe những hiến kế, góp ý của các anh chị cựu cán bộ đoàn, các bạn Đoàn viên, thanh niên. Nhiều diễn đàn dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến khác cũng đã được tổ chức...
Mong muốn của chúng tôi không chỉ là tổ chức những hoạt động như trong kế hoạch đảm bảo thành công mà quan trọng hơn là nhân dịp này được lắng nghe những lời động viên, góp ý, hiến kế của các chủ thể như vậy, để chúng tôi nhìn nhận, đánh giá, xác định được hướng đi trong thời gian tới. Chất liệu từ những hoạt động trên sẽ là nền tảng hết sức quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đoàn hoàn thiện, ban hành sớm nhất chương trình hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời chuẩn bị một bước cho văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Với tình cảm, trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ bằng quyết tâm lớn nhất, tổ chức với chất lượng cao nhất các hoạt động một cách thiết thực, sáng tạo, có sức hút, sức hấp dẫn đối với thanh niên và xã hội; tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị, đợt thi đua sôi nổi chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Với vai trò "thủ lĩnh thanh niên," anh có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động Đoàn hiện nay?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Thuận lợi lớn nhất chính là sự quan tâm của của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác Đoàn và thanh niên. Cùng với đó, chúng ta đang có một lớp cán bộ đoàn mới chuẩn hóa hơn về mọi mặt: có trình độ, trẻ tuổi, sát gần hơn với tâm sinh lý của thanh niên, có khả năng thích nghi với những đổi mới trong đời sống của thanh niên nhưng vẫn giữ được tâm huyết, khát vọng, lý tưởng của những thế hệ đi trước trao truyền lại. Các bạn đã theo kịp nhu cầu của thanh niên, hòa nhập với sự đa dạng trong đời sống thanh niên. Đó là việc rất tốt bởi không có cán bộ tốt thì chúng ta không thể triển khai và tổ chức phong trào.
Yếu tố thuận lợi thứ ba song cũng đồng thời là thách thức, chính là sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông xã hội. Chuyển đổi số mang lại cơ hội rất lớn để tổ chức Đoàn và các tổ chức thanh niên có cơ hội, điều kiện tập hợp, giáo dục, đoàn kết thanh niên trong môi trường, không gian rất mới, nhanh, tức thời và có hiệu ứng, hiệu quả hơn về mặt thông tin. Tuy nhiên, không phải toàn bộ thanh niên Việt Nam đều có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, khả năng để thực hiện chuyển đổi số. Đây không phải nhiệm vụ riêng của tổ chức Đoàn nhưng Đoàn cũng có trách nhiệm trong việc giáo dục về kiến thức, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho thanh niên và cho chính cán bộ đoàn cũng như tổ chức Đoàn các cấp.
Thuận lợi thứ tư là chúng ta vẫn giữ được những truyền thống, ưu việt trong mô hình tổ chức, trong hoạt động. Đây là nền tảng rất vững chắc do các thế hệ cán bộ đoàn đi trước dày công xây dựng, vun đắp, vận hành và vẫn phát huy hiệu quả cao trong quá trình triển khai các phong trào, hoạt động của Đoàn, Hội, Đội. Đồng thời, chúng ta cũng kịp thời bổ sung, cập nhật những phương thức, mô hình tổ chức mới của Đoàn để phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
Ngoài ra, thanh niên là đối tượng hướng tới của tổ chức Đoàn. Tố chất của thanh niên hiện nay với sự nhanh nhẹn, thông minh, điều kiện được học hành và phát triển trong môi trường đầy đủ hơn cả về vật chất, tinh thần cũng là một thuận lợi cơ bản.
Về khó khăn, theo tôi khó khăn đầu tiên là đang có sự đa dạng, phân tầng ngày càng lớn giữa các đối tượng thanh niên. Nhu cầu, mong muốn của các bạn rất khác nhau, với "cái tôi" rất lớn. Vậy làm sao để đưa được tất cả những khác biệt đó vào một mẫu số chung, để gặp nhau ở con đường phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của đất nước, của Đảng, của tổ chức Đoàn, để các bạn cùng có một khát vọng phấn đấu, rèn luyện trước mắt là cho bản thân mình, sau đấy là cho cộng đồng, đất nước, không phải điều dễ dàng.
Do đó, chọn phong trào, chọn thông điệp như thế nào để những sự riêng rẽ, "cái tôi", sự phân tầng đa dạng có thể đặt trong một công thức mà mẫu số chung chính là khát vọng phát triển đất nước là mục tiêu tổ chức Đoàn hướng đến. Nhiều dòng chảy nhỏ phải được khơi ra đổ vào con sông lớn của lý tưởng độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, của khát vọng phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng cường hơn. Từ yêu cầu về việc thiết kế phong trào cho đến xây dựng mô hình tổ chức và công tác giáo dục thanh niên..., những thách thức này đều không hề đơn giản.
Không dừng lại ở đó, hiện nay có nhiều yếu tố tác động đang làm giảm đi vai trò dẫn dắt, tập hợp, định hướng của tổ chức Đoàn đối với đoàn viên, thanh niên. Ở góc độ nào đó, phải thừa nhận một điều là Đoàn và các tổ chức thanh niên đang bị cạnh tranh từ các lực lượng xã hội khác để tập hợp, thu hút thanh niên, đòi hỏi một sự chuyển đổi cực kỳ mạnh mẽ trong đổi mới nội dung, phương thức vận động.
Đoàn cũng đang thiếu cơ chế, điều kiện đảm bảo để có thể thu hút được những người giỏi. 90 năm với bề dày truyền thống nhưng cũng là một hành trình dài với sự "cằn cỗi," "xơ cứng" nhất định. Có những điều đôi khi đã trở thành kinh nghiệm quá lâu sẽ được dùng như một loại "chủ nghĩa kinh nghiệm," trong khi tình hình thanh niên hiện nay luôn thay đổi. Trước thách thức lớn như vậy, tổ chức Đoàn cần nghiên cứu để không được theo lối mòn.
- Trong bối cảnh tình hình với những biến động không ngừng và thách thức, thuận lợi đan xen như vậy, theo anh, để xây dựng, hình thành lớp cán bộ đoàn thời kỳ mới đủ tâm, đủ tầm cần những yếu tố như thế nào?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Với điều kiện công tác có nhiều khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác, tôi nghĩ điều đầu tiên là cán bộ đoàn phải tâm huyết với công tác vận động thanh niên. Nếu không có đủ tâm huyết thì không thể làm tròn trách nhiệm của mình, chưa nói đến làm một cách sáng tạo. Phải tâm huyết, trăn trở, trách nhiệm với công việc mình làm, đây là điều hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ cán bộ đoàn phải là những người có khát vọng. Bởi làm với những người trẻ mà không có khát vọng để công việc của mình tốt hơn, để thế hệ các bạn trẻ cùng với mình đóng góp nhiều hơn cho đất nước này, không có khát vọng để dựng xây đất nước hùng cường, phồn thịnh thì sẽ dẫn đến hiện tượng là kể cả khi đã tâm huyết rồi nhưng cũng chỉ có thể làm "tròn vai". Có khát vọng sẽ giúp người trẻ nói chung và cán bộ đoàn nói riêng cố gắng, nỗ lực hơn, sáng tạo hơn, có trách nhiệm hơn và biết hy sinh.
Một điều nữa không thể thiếu là phải kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, của Đoàn ở bất cứ hoàn cảnh, bối cảnh xã hội nào. Không kiên định sẽ dễ khiến chúng ta bị chệch hướng và đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến hiện tượng "nhạt Đảng, khô Đoàn."
- Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - một sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với tuổi trẻ Việt Nam, anh có điều gì muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập là sự kiện khẳng định truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ một vài suy ngẫm cá nhân để các bạn trẻ có thể tham khảo hoặc liên tưởng đến những công việc mà mình cần phải làm cho đất nước, cho tổ chức Đoàn. Đó là mỗi người trẻ phải có ước mơ, hoài bão, khát vọng, nhưng phải bắt đầu chinh phục ước mơ, hoài bão và hiện thực hóa khát vọng đó bằng những công việc rất cụ thể, hàng ngày trong học tập, lao động, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu... Thế hệ của chúng ta bắt đầu từ hôm nay.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, để "trồng cây" cho năm 2045, cần phải bắt đầu từ việc lựa chọn hạt giống, lựa chọn đất để gieo trồng, chăm bón, tưới tắm hằng ngày thì đến năm 2045 mới có những "cây" xanh tốt, vững gốc, chắc cành và đơm hoa kết trái. Vì thế, đừng chỉ ngồi và ước mơ, hãy bắt đầu hành động từ những công việc cụ thể hằng ngày của mình.
- Trân trọng cảm ơn anh!./.