Biển Đỏ ở đâu, tại sao lực lượng Houthi lại tấn công tàu đi qua Biển Đỏ?

Việc lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu có quan hệ với Israel đi qua Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hải quốc tế, buộc Mỹ và đồng minh phải lập liên minh bảo vệ.

Ảnh chụp màn hình từ video của Houthi ghi lại hình ảnh lực lượng này chiếm tàu vận chuyển Galaxy Leader ở Biển Đỏ ngày 20/11/2023.
Ảnh chụp màn hình từ video của Houthi ghi lại hình ảnh lực lượng này chiếm tàu vận chuyển Galaxy Leader ở Biển Đỏ ngày 20/11/2023.

Kể từ khi Israel mở chiến dịch quân sự ở Dải Gaza để trả đũa các vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel, lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền đi qua tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ nhằm thể hiện đoàn kết với người Palestine.

Houthi tuyên bố hành động của họ nhằm buộc Israel ngừng không kích Dải Gaza.

Những cuộc tấn công của các tay súng Houthi ở ngoài khơi bờ biển Yemen làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại hàng hải quốc tế đi qua Biển Đỏ và dấy lên nguy cơ xung đột ở Dải Gaza lan rộng ra toàn khu vực.

Houthi đã được thực hiện 26 cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ ngày 19/11/2023.

Ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ.

Vậy Biển Đỏ nằm ở đâu và có vị trí quan trọng như thế nào đối với hoạt động thương mại hàng hải quốc tế?

bien-do-1001.png
Vị trí của Biển Đỏ trên Google Map.

Về mặt địa lý, Biển Đỏ (hay còn gọi là Hồng Hải) là vùng vịnh thuộc Ấn Độ Dương, nằm giữa châu Á và châu Phi. Vùng nước này tiếp giáp Vịnh Aqaba, Vịnh Sinai và Vịnh Suez, nơi đặt kênh đào Suez - về phía Bắc. Ở phía nam, Biển Đỏ tiếp giáp Vịnh Aden và đổ ra Ấn Độ Dương.

Nếu một tàu buôn đi từ Ấn Độ Dương, thông qua vịnh Aden để vào Biển Đỏ thì chỉ cần vượt kênh đào Suez, tàu sẽ đến Địa Trung Hải và dễ dàng cập cảng châu Âu.

Chính vì địa thế quan trọng mà Biển Đỏ có vai trò chiến lược với ít nhất 12% giao dịch thương mại hàng hóa thế giới đi qua vùng biển này.

Việc lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu mà họ cho rằng có quan hệ làm ăn với Israel đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ, đẩy lạm phát lên cao trên toàn cầu. Để tránh bị tấn công, nhiều tàu chở container đã phải chọn tuyến đường khác thay vì Biển Đỏ, làm tăng giá thành vận chuyển.

Tờ The National News của UAE dẫn Chỉ số giá cước vận tải container thế giới (World Container Index-WCI) của công ty nghiên cứu và tư vấn hàng hải Drewry, hãng theo dõi giá cước vận chuyển container trên 8 tuyến đường chính đến và đi từ Mỹ, châu Âu và châu Á - cho hay phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua Biển Đỏ hiện ở mức khoảng 4.000 USD, tăng 248% so với mức 1.148 USD ghi nhận vào ngày 21/11/2023 và tăng 140% so với ngày 23/12/2023.

Một số hãng vận tải biển lớn nhất thế giới đã buộc phải ngừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ và chuyển hướng tàu, gồm MSC, Maersk, CMA CGM và Hapag-Lloyd có trụ sở tại châu Âu; và Cosco Shipping, HMM và Evergreen Line có trụ sở tại châu Á; cũng như các nhà khai thác tàu chở dầu và khí đốt.

Tuyến đường thay thế cho tuyến thương mại Đông-Tây này là tuyến đi qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Tuy nhiên, tuyến này sẽ làm tăng thời gian di chuyển giữa châu Âu và châu Á.

Các hãng tàu phải chọn tuyến đường khác thay vì đi qua Biển Đỏ, làm tăng giá cước vận chuyển hàng hóa.

Vị trí chiến lược của Biển Đỏ buộc Mỹ và đồng minh phải kêu gọi thành lập lực lượng liên quân để bảo vệ tàu bè đi qua Biển Đỏ. Mỹ đã thành lập một liên minh hải quân mang tên "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng," kêu gọi các đồng minh tham gia vào lực lượng đặc nhiệm ở Biển Đỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” sẽ có sự tham gia của các quốc gia như Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.

Mỹ cũng mời các quốc gia có quyền lợi lớn ở Ấn Độ Dương như Ấn Độ, Sri Lanka tham gia vào liên minh này, nhưng các chuyên gia cho rằng có khả năng Ấn Độ lo ngại về nguy cơ leo thang chiến sự sau cuộc phản công của lực lượng hải quân Mỹ.

Giống như Pháp và Italy, Ấn Độ muốn duy trì sự hiện diện hải quân riêng biệt trong khu vực hơn là tham gia liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu để chống lại các cuộc tấn công của Houthi.

Ngay cả các đồng minh của Mỹ ở EU cũng có thái độ thận trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cho rằng cần ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ nhưng phải tránh gây ra cuộc chiến mới.

Hôm 9/1, lực lượng Mỹ và Anh đã bắn hạ 18 thiết bị bay không người lái, hai tên lửa hành trình chống hạm và một tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi.

Về phần mình, Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công.

Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), thủ lĩnh của Houthi Mohammed Ali Al-Houthi nêu rõ: "Mọi tàu thuyền đi qua Biển Đỏ cũng như eo biển Bab El-Mandeb nối Biển Đỏ với Vịnh Aden hoặc Biển Arab cần phát đi dòng chữ 'chúng tôi không liên quan đến Israel.'"

Video Hải quân Mỹ sử dụng trực thăng tấn công tàu của Houthi.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.