Giá cước vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ tăng gần 250%

Phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu qua Biển Đỏ hiện ở mức khoảng 4.000 USD, tăng 248% so với mức 1.148 USD ghi nhận vào ngày 21/11/2023 và tăng 140% so với 23/12/2023.

Tàu chở hàng hóa của hãng vận tải Maersk. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu chở hàng hóa của hãng vận tải Maersk. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chi phí vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ đã tăng mạnh kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại ở vùng biển này vào cuối tháng 11/2023 và sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ có thể đẩy lạm phát lên cao trên toàn cầu.

Tờ The National News của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dẫn Chỉ số giá cước vận tải container thế giới (World Container Index-WCI) của công ty nghiên cứu và tư vấn hàng hải Drewry, hãng theo dõi giá cước vận chuyển container trên 8 tuyến đường chính đến và đi từ Mỹ, châu Âu và châu Á, cho hay phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua Biển Đỏ hiện ở mức khoảng 4.000 USD, tăng 248% so với mức 1.148 USD ghi nhận vào ngày 21/11/2023 và tăng 140% so với ngày 23/12/2023.

Một số hãng vận tải biển lớn nhất thế giới đã buộc phải ngừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ và chuyển hướng tàu, gồm MSC, Maersk, CMA CGM và Hapag-Lloyd có trụ sở tại châu Âu; và Cosco Shipping, HMM và Evergreen Line có trụ sở tại châu Á; cũng như các nhà khai thác tàu chở dầu và khí đốt.

Tuyến đường thay thế cho tuyến thương mại Đông-Tây này là tuyến đi qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi. Tuy nhiên, tuyến này sẽ làm tăng thời gian di chuyển giữa châu Âu và châu Á.

Theo The National News, ông Rahul Sharan - Giám đốc cấp cao phụ trách nghiên cứu tại công ty Drewry (London, Anh), nhận xét sự thay đổi chiến lược này không chỉ làm tăng thời gian di chuyển của tàu thêm 10-14 ngày, mà còn làm tăng thêm chi phí nhiên liệu.

Theo ông Sharan, một số công ty vận tải biển đã áp dụng các khoản phụ phí để bù đắp cho các chi phí bổ sung.

Còn chuyên gia Christian Roeloffs, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Container xChange có trụ sở tại Hamburg (Đức), cho hay tình hình đã trở nên khó khăn khi các chi phí phụ cũng như phí bảo hiểm tăng lên.

Trong khi đó, chuyên gia Rico Luman, nhà kinh tế cấp cao về vận tải, hậu cần và ôtô tại hãng nghiên cứu ING Research có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), nhận định rằng giá cước vận chuyển container trên tuyến thương mại Á-Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhất trước những căng thẳng ở Biển Đỏ.

Đặc biệt, hành trình đi đến các cảng ở Địa Trung Hải sẽ dài hơn đáng kể. Giá cước vận chuyển container từ cảng tới cảng trên tuyến Á-Âu hiện đã tăng 130% so với hồi đầu tháng 11/2023.

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ đã làm tăng đáng kể rủi ro cho các công ty vận tải biển cũng như làm gia tăng mối lo ngại về an ninh và phúc lợi của thuyền viên.

Một quan chức cấp cao của Mỹ tuần trước cho biết Houthi đã được thực hiện 25 cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ ngày 18/11.

Giới phân tích cho rằng nếu không được kiểm soát, tình hình an ninh ngày càng xấu đi sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyến hàng sẽ bị chậm trễ do thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi chi phí đối với hoạt động vận chuyển năng lượng và hàng hóa phi năng lượng giữa châu Âu, Trung Đông và châu Á sẽ tăng cao.

Ông Ali Abouda, Giám đốc tài chính của Dubai Financial Market, nói rằng việc đóng cửa tuyến hàng hải qua Biển Đỏ hoặc bất kỳ sự gián đoạn nào liên quan đến tuyến đường biển này sẽ gây ra những hậu quả to lớn.

Ông nói: "Eo biển Bab El Mandeb là tuyến đường quan trọng đối với thương mại toàn cầu, đặc biệt là hoạt động vận chuyển dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu và Mỹ. Việc đóng cửa tuyến qua Biển Đỏ có thể dẫn đến sự chậm trễ trong hoạt động giao hàng, làm tăng chi phí vận chuyển, và điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa"./.

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.