Không chỉ định vị thương hiệu đường thốt nốt Palmania trên thị trường bằng "tấm thẻ bài” OCOP 4 sao, giải thưởng 2 sao Great Taste Awards, Chau Ngọc Dịu - nữ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) còn là người tiên phong đưa sản phẩm đường thốt nốt của tỉnh An Giang vào thị trường châu Âu.
Người phụ nữ đó đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm thốt nốt truyền thống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang.
Ước mơ nâng tầm giá trị
Trở về quê sau nhiều năm học tập và lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Chau Ngọc Dịu (sinh năm 1982, dân tộc Khmer, ngụ ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) quyết định khởi nghiệp với sản phẩm mật thốt nốt (đường thốt nốt dạng sệt) - sản phẩm truyền thống, đặc sản của người dân Bảy Núi An Giang mang thương hiệu Palmania.
Chị lý giải: "Pal" trong tiếng Khmer có nghĩa là "cây cọ," "Mania" có nghĩa là "đam mê." Chị mong muốn tiếp nối và phát triển nghề nấu đường thốt nốt truyền thống của các thế hệ người dân vùng Bảy Núi An Giang và ước mơ nâng tầm giá trị cho sản phẩm quê nhà.
Thực hiện hoài bão lớn của bản thân, tháng 6/2017, chị Dịu cùng một vài người bạn hùn vốn thành lập Công ty Cổ phần Palmania để thu mua, chế biến, phân phối các dòng sản phẩm từ đường thốt nốt. Trụ sở ban đầu đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 8/2019, công ty chuyển về thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn và Chau Ngọc Dịu cũng quyết định nghỉ việc ở đất "Sài thành” để về quê tập trung đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất-kinh doanh.
Động lực thôi thúc chị khởi nghiệp là muốn khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của mật cây thốt nốt. Hàng trăm năm qua, bà con Khmer tỉnh An Giang đã trồng và khai thác những lợi ích từ cây thốt nốt, biến nó thành đặc sản trứ danh của vùng Bảy Núi An Giang, nhưng đặc sản ấy vẫn chỉ quanh quẩn ở "lũy tre làng."
Đặc biệt, cây thốt nốt mọc dại, tuổi thọ hơn 100 năm nhưng phải mất ít nhất 30 năm mới có khả năng cho mật hoa. Hơn nữa, thổ nhưỡng vùng đất Bảy Núi An Giang đã được thiên nhiên ban tặng cho cây thốt nốt một số ưu điểm, hương vị đặc trưng.
"Việc thành lập công ty không chỉ xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm đường thốt nốt mà còn giúp bà con Khmer vùng Bảy Núi An Giang tiếp tục giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi quan tâm bảo vệ môi trường. Các sản phẩm đường thốt nốt Palmania đều được đóng gói trong hũ thủy tinh và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Đây cũng là điều được người tiêu dùng ưa chuộng," chị Dịu trải lòng.
Sau 2 năm nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, năm 2019, Công ty Cổ phần Palmania đã phát triển thành công sản phẩm mới mật thốt nốt bột Palmania nguyên chất, không phụ gia, không sử dụng phương pháp tách mật. Đặc biệt, sản phẩm giữ được trọn vẹn hương thơm, vị ngon đặc trưng và những đặc tính quý giá của đường thốt nốt.
Đến nay, sau hơn 7 năm thành lập, 3 sản phẩm chính của công ty gồm mật thốt nốt dạng sệt truyền thống, mật thốt nốt dạng bột và mật thốt nốt dạng hạt đã trở thành thương hiệu đường thốt nốt quen thuộc của người tiêu dùng tại 20 tỉnh, thành phố với hơn 60 điểm bán hàng trên cả nước.
Đặc biệt, các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch và siêu thị lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... và các sàn thương mại điện tử. Hiện chị Dịu đang nghiên cứu thêm sản phẩm mới từ thốt nốt như sirô, nước tươi đóng lon…
Cùng nông dân sản xuất và làm giàu
Công ty Cổ phần Palmania đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa cao điểm sản xuất, hàng chục lao động địa phương làm việc thời vụ với thu nhập bình quân từ 350.000-500.000 đồng/người/ngày. Trung bình mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn đường đường thốt nốt, trong đó sản lượng xuất khẩu đi nước ngoài là gần 1 tấn; doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.
Khác với mọi người, cách khởi nghiệp của chị Dịu hướng đến việc cùng nông dân sản xuất và làm giàu. Công ty của chị Dịu liên kết và bao tiêu đường thốt nốt sệt do nông dân sản xuất rồi mang về cơ sở chế biến thành mật thốt nốt dạng sệt hoặc bột, hạt theo quy trình khép kín, hiện đại.
Anh Nguyễn Văn Lượm (ngụ thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là một trong những nông dân hợp tác với chị Dịu sản xuất đường thốt nốt từ những ngày đầu thành lập công ty. Anh nói nấu đường thốt nốt ở công ty tốn gấp đôi thời gian so với cách làm trước đây nhưng bù lại, giá công ty bao tiêu cao gấp đôi so với thương lái và luôn ổn định. Các hộ dân hợp tác với chị Dịu phải cam kết thu hoạch và chế biến đường thốt nốt theo quy trình, kỹ thuật chặt chẽ.
Mỗi ngày, bà con leo cây lấy nước từ hoa thốt nốt hai lần, mỗi lần cách nhau không quá 8 giờ. Nước từ hoa thốt nốt sau khi thu về sẽ nấu ngay thành mật nước sệt; dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình làm mật phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh, khử trùng thường xuyên… nên luôn giữ được hương thơm, vị ngọt thanh đặc trưng...
Đặc biệt, Chau Ngọc Dịu là người phụ nữ Khmer ở An Giang đầu tiên thành lập Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Palmania tại Hà Lan để xúc tiến việc xuất khẩu đường thốt nốt An Giang sang thị trường châu Âu, đưa vị ngọt thốt nốt đến gần với bạn bè quốc tế.
Dẫu biết xuất khẩu vào Hà Lan, châu Âu có những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe nhưng chị Dịu đã cố gắng hoàn thiện sản phẩm để mang lô hàng chính ngạch đầu tiên sang Hà Lan vào tháng 7/2021, sau đó, tiếp tục mở rộng thị trường sang Thụy Điển, Phần Lan và một số thị trường khác.
"Sau thị trường châu Âu, mong rằng thời gian tới, sản phẩm đường thốt nốt Palmania có thể chinh phục các thị trường quốc tế khó tính khác như Nhật Bản, Mỹ…, từ đó giúp cây thốt nốt của người dân An Giang ngày càng vươn xa," chị Dịu chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết dù là sản phẩm mới nhưng sau hơn 7 năm, đường thốt nốt Palmania đã khẳng định được vị trí trên thị trường, góp phần đưa đặc sản vùng Bảy Núi vươn xa.
Mới đây, sản phẩm đường thốt nốt của Công ty Cổ phần Palmania đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong số đó, 3 sản phẩm đường thốt nốt dạng sệt Palmania, đường thốt nốt dạng hạt Palmania, đường thốt nốt dạng bột Palmania, đạt điểm trung bình 92,8 điểm, đủ tiêu chuẩn đạt 5 sao - cấp quốc gia.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh để gửi hồ sơ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị đánh giá công nhận sản phẩm OCOP 5 sao - cấp Quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho công ty phát triển sản phẩm, nâng giá trị sản phẩm thốt nốt truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang./.
Ngắm nhìn 100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt
Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa Nghệ thuật Đông Nam Á tổ chức Hội thi xác lập kỷ lục “100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt.”