"Biến những khẩu hiệu vì trẻ em thành các hành động cụ thể"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị mỗi người dù là ai cũng cần phải lắng nghe tiếng nói của con trẻ, để thấu hiểu và có những lời nói, hành động kịp thời.
"Biến những khẩu hiệu vì trẻ em thành các hành động cụ thể" ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Sáng 30/5, tại thành phố Hải Dương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói.”

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự.

Sau khi đối thoại nhanh qua một số câu hỏi với gần 700 trẻ em Hải Dương tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong cuộc sống ngày nay, mỗi người dù là ai cũng cần phải lắng nghe tiếng nói của con trẻ, để thấu hiểu và có những lời nói, hành động kịp thời. Lắng nghe tiếng nói của con trẻ là để hành động, chăm sóc, bảo vệ, dạy dỗ các cháu tốt hơn.

Phó Thủ tướng lưu ý việc lắng nghe trẻ phải đi kèm với việc giảng giải cho trẻ, phải lắng nghe trẻ bằng tình yêu thương, trách nhiệm, sự tôn trọng đối với các cháu.

Trăn trở khi nhắc đến những con số cả nước hiện có khoảng trên 26 triệu trẻ em, trong đó có gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng trên 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, tai nạn, thương tích...), Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta cần biến những khẩu hiệu “ Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai,” “Trẻ em là măng non," "Trẻ em như búp trên cành” thành những hành động thiệt thực, cụ thể để chăm lo tốt hơn cho các cháu.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm dành mọi nguồn lực cho trẻ em với quan điểm là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em̉. Nhiều giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được các cấp, ngành thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, rủi ro của khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến trẻ em.

Nhiều chính sách, chương trình dành cho trẻ em vẫn được duy trì thực hiện tốt như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; tiêm chủng mở rộng; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS; phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo; phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục; hỗ trợ điều kiện vui chơi, giải trí của trẻ em vùng khó khăn; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, v.v...

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em cách đây 25 năm. Theo đó, bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em trong Công ước gồm: Quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia của trẻ em đã và đang được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, theo Bộ trường Phạm Thị Hải Chuyền, nhận thức về các quyền tham gia của trẻ em còn hạn chế so với các nhóm quyền khác. Việc t hực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, trong nhà trường, trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức . em chưa thực sự được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, kế hoạch về trẻ em.

Tháng hành động Vì trẻ em năm nay với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm phát động toàn xã hội tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là tạo điều kiện để trẻ được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Qua đó, các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình cần lắng nghe, xem xét và phản hồi các ý kiến của trẻ em trên cơ sở tôn trọng tiếng nói của trẻ em. Đây cũng chính là hành động thiết thực để thực hiện quy định tại Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”.

Tại buổi lễ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tiếp nhận gần 20 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân ủng hộ thực hiện các chương trình, dự án vì trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ cũng hỗ trợ cho 30 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn có thành tích học tập tốt của tỉnh Hải Dương (2 triệu đồng/em) và 700 suất quà (trị giá 200.000 đồng/suất) cho trẻ em khó khăn. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sơn TOA (Việt Nam) đã ký thỏa thuận tài trợ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ sửa chữa cho các công trình phục vụ trẻ em (trường học, bệnh viện, cơ sở vật chất nuôi dưỡng trẻ em,…) với giá trị khoảng 3 tỷ đồng.

Trước đó, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đến thăm, tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục