Biện pháp trừng phạt Nga tác động ngược vào kinh tế châu Âu

Đang có những lo ngại ngày càng tăng rằng những biện pháp trừng phạt Nga tác động trở lại chính các công ty của châu Âu và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn khu vực.
Biện pháp trừng phạt Nga tác động ngược vào kinh tế châu Âu ảnh 1Nga cấm nhập khẩu rau quả từ Ba Lan. (Nguồn: The Moscow Times)

Ba Lan hy vọng Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp nước này khắc phục hậu quả tiêu cực sau khi Nga cấm nhập khẩu rau quả từ Ba Lan.

Ngày 4/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ba Lan cho biết Bộ trưởng Marek Savisky đã gửi thư yêu cầu quan chức EU phụ trách nông nghiệp, y tế và thương mại nhanh chóng tổ chức cuộc họp thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu của Nga.

Bức thư nêu rõ Ba Lan hy vọng với tinh thần tương trợ của EU, các biện pháp tương ứng sẽ được áp dụng nhằm hạn chế hậu quả tiêu cực do lệnh cấm của Nga đối với các nhà trồng rau quả Ba Lan cũng như các nước khác trong EU.

Bộ này cho biết thiệt hại cho khu vực trồng rau quả Ba Lan có thể lên đến 500 triệu euro. Yêu cầu chính thức về đền bù sẽ được gửi cho Ủy ban châu Âu sau khoảng 1 tháng.

Từ ngày 1/8, Cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga đã cấm nhập vào nước này tất cả các loại rau quả từ Ba Lan, Theo cơ quan này, phía Ba Lan đã vi phạm các quy định về chứng nhận cũng như kiểm dịch đối với các mặt hàng rau quả.

Cũng phản ứng về các biện pháp trừng phạt bổ sung vừa được Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt chống Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, một trong những doanh nhân có uy tín nhất ở Anh ngày 4/8 nói rằng các biện pháp này có thể khiến Anh mất nhiều việc làm.

Huân tước Bamford, Chủ tịch tập đoàn JCB chuyên sản xuất và xuất khẩu máy móc xây dựng lớn hàng đầu tại Anh, cho biết nếu các biện pháp trừng phạt của EU ngăn cản việc các công ty bán máy móc và linh kiện cho Nga thì chắc chắn JCB sẽ bị ảnh hưởng lớn và hàng trăm việc làm của Anh sẽ bị mất.

Đang có những lo ngại ngày càng tăng rằng những biện pháp trừng phạt này sẽ tác động trở lại chính các công ty của châu Âu và ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn khu vực.

Tuần trước, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể làm tổn thương kinh tế Anh. Cùng chung nhận định này, Huân tước Livingston, Quốc vụ khanh Thương mại và Đầu tư của Anh, cho rằng Khu tài chính London có thể chịu tổn thất từ lệnh cấm một số công ty Nga tiếp cận các thị trường vốn quốc tế.

Theo số liệu năm ngoái của Cục Thuế và Hải quan, Nga là điểm đến quan trọng thứ 14 của hàng hóa xuất khẩu của Anh. Nga hiện chiếm 9,5% lượng phương tiện vận tải xuất khẩu của Xứ sở Sương mù.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest tuyên bố mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga, nhưng nhìn chung không làm thay đổi chính sách của Nga đối với Ukraine như mong muốn của Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.