Biến tro xỉ phế thải thành vật liệu xây dựng: Gỡ "nút thắt" chính sách

Hiện nay cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than phát thải ra một khối lượng tro xỉ khoảng 15,8 triệu tấn, cùng đó, các nhà máy hóa chất, phân bón... “đóng góp” khối lượng tro xỉ phát thải không hề nhỏ.
Biến tro xỉ phế thải thành vật liệu xây dựng: Gỡ "nút thắt" chính sách ảnh 1Vận chuyển sản phẩm gạch không nung. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hiện nay cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất lắp đặt là 13.110MW. Hàng năm các nhà máy điện này phát thải ra một khối lượng tro xỉ khoảng 15,8 triệu tấn. Cùng đó, các nhà máy hóa chất, phân bón và cơ sở công nghiệp “đóng góp” khối lượng tro xỉ phát thải không hề nhỏ và tiếp tục gia tăng.

Nếu không có biện pháp xử lý, tiêu thụ kịp thời thì áp lực của việc bố trí diện tích đất để chôn lấp cũng như ảnh hưởng đến môi trường sẽ rất nặng nề.

Mặc dù tận dụng nguồn tro xỉ thạch cao làm vật liệu xây dựng rất hiệu quả nhưng các doanh nghiệp vẫn “thờ ơ” bởi họ cho rằng chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa tương xứng.

Ông Lê Thế Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) - thừa nhận đây là vấn đề lớn, khó và phải thực sự quyết tâm, tâm huyết mới làm được; trong đó, có các vấn đề khó khăn nảy sinh và cân nhắc để phát triển bền vững.

Về các chính sách ưu đãi, ông Ngọc dẫn chứng, trong Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đã thể hiện rất rõ ưu đãi cho hoạt động sản xuất sử dụng tro xỉ thạch cao, còn hoạt động tái chế chất thải để làm nguyên liệu sản xuất thì chưa được đề cập đến. Điều này chính là “nút thắt” đối với doanh nghiệp muốn tham gia hoạt động tái chế.

Doanh nghiệp mong muốn hoạt động sản xuất dây chuyền thiết bị được ưu đãi như hoạt động sản xuất cơ khí trọng điểm. Chương trình này rất lớn, bởi vậy, khi thực hiện cũng cần có đánh giá, điều chỉnh để mục tiêu của Chính phủ đạt được ở mức cao nhất.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Ngọc cho rằng phải có điều chỉnh nhất định về quản lý chất thải rắn để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý sử dụng làm vật liệu xây dựng nhưng cũng phải kiểm soát được các vấn đề phát sinh đối với môi trường. Đây cũng là vấn đề lớn và mới nên đòi hỏi doanh nghiệp cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung về công nghệ thiết bị mới có thể sử dụng tro xỉ thạch cao sản xuất vật liệu xây dựng.

[Không đủ bãi chứa phế thải, nhiều nhà máy điện dừng sản xuất?]

Mặc dù vật liệu xây không nung đã tiên phong nhưng đây cũng không phải là lĩnh vực tiêu thụ được nhiều nhất tro, xỉ, thạch cao mà cần phải phát triển trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất ximăng, bêtông, thạch cao thương mại. Hơn nữa phải tính đến sử dụng trên các lĩnh vực khác như làm vật liệu san lấp công trình xây dựng, thương mại, làm nền đường, kè đập thì mới giải quyết được khối lượng lớn lượng tro xỉ thạch cao, ông Ngọc phân tích.

Ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) - cho biết tới thời điểm này, các nhà máy nhiệt điện của toàn thế giới đã đốt than và thải ra một lượng tro xỉ lên tới khoảng 1.000 triệu tấn. Theo thống kê từ các tổ chức khoa học của thế giới thì hiện khoảng 35% lượng tro xỉ đã được xử lý và đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng hoặc sản phẩm khác trong ngành xây dựng cơ sở ở kết cấu hạ tầng.

Còn lại 65% lượng tro xỉ được chuyển từ nhà máy nhiệt điện ra bãi, hồ chứa để đợi quá trình xử lý để đảm bảo các điều kiện về thành phần hóa học, khoáng vật và phù hợp với công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng hay đầu ra của ngành giao thông, xây dựng như san lấp hạ tầng. Các nước phát triển có thể sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp, lấn biển... Có như vậy mới giải quyết được bài toán tro xỉ và bãi chứa sẽ giảm dần, ông Thành cho hay.

Tại Quyết định 1696 đã đề cập rõ phân công tổ chức cho Bộ, ngành phải ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chính sách ưu đãi khuyến khích, quy định ràng buộc các chủ cơ sở phát thải, thậm chí có quy định hạn mức bãi chứa tro xỉ thạch cao. Đây là quyết định đầu tiên, coi việc xử lý tro xỉ thạch cao là nhiệm vụ mang tính bắt buộc.

Quyết định 1696 đi vào trong cuộc sống đã có tác động rất mạnh, các bộ, ngành, địa phương khối quản lý Nhà nước tích cực triển khai và triển khai rất có hiệu quả. Các chủ cơ sở phát thải xác định rõ trách nhiệm của mình, chủ động tìm kiếm các đối tác, nghiên cứu lựa chọn phương thức xử lý phù hợp để tiêu thụ mức cao nhất lượng tro xỉ thạch cao của mình.

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có thể sử dụng tro xỉ như nhà máy ximăng, vật liệu xây không nung bêtông... đều tiêu thụ ở mức rất mạnh. Quyết định 1696 đã tạo nên nhận thức mới trong xã hội về vấn đề này, đã có những kết quả ban đầu.

Hiện cả nước đã xử lý được 5 triệu tấn, tức là khoảng 30% lượng tro xỉ thải ra hàng năm và cũng có doanh nghiệp thực hiện tốt. Điển hình như Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn sử dụng triệt để, thậm chí không cần dùng đến bến bãi; nhà máy Uông Bí, Cao Ngạn cũng đã có các hợp đồng xử lý lâu dài; nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình cũng đã có các cách giải quyết rất căn bản.

Trước đây, vấn đề này không đặt ra là nhiệm vụ bắt buộc nên nhiều nhà máy còn không quan tâm. Thậm chí, có nhà máy còn dùng nước mặn để xử lý. Số tro xỉ nhiễm mặn này sẽ không xử lý được và trở thành tro xỉ vĩnh viễn. Bởi vậy, mỗi nhà máy nhiệt điện cần căn cứ vào đặc thù từng nhà máy để chuẩn bị phương thức xử lý phù hợp, cụ thể, ông Ngọc khuyến nghị.

Sau hai năm đi vào cuộc sống, Quyết định 1696 đã tạo ra một cuộc cách mạng mới, tạo nền tảng để thúc đẩy về vấn đề sử dụng tro xỉ thạch cao làm vật liệu xây dựng ở giai đoạn tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.