Biểu tình ở Algeria - Tác nhân làm bùng phát Mùa xuân Arập 2.0?

Biểu tình ở Algeria - Tác nhân làm bùng phát Mùa xuân Arab 2.0?

Việc Tổng thống Algeria từ chức sau khi xuất hiện các cuộc biểu tình phản đối đã tiếp sức cho các nhà hoạt động trong khu vực, song điều đó dường như chưa thể khơi dậy sự trở lại của Mùa xuân Arab.
Biểu tình ở Algeria - Tác nhân làm bùng phát Mùa xuân Arab 2.0? ảnh 1Biểu tình phản đối Tổng thống Algeria tiếp tục tranh cử. (Nguồn: EPA)

Theo hãng AFP, việc Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika từ chức sau khi xuất hiện các cuộc biểu tình phản đối đã tiếp sức cho các nhà hoạt động trong khu vực, song điều đó dường như vẫn chưa thể khơi dậy sự trở lại của cuộc nổi loạn Mùa xuân Arab.

Các nhân vật xã hội dân sự ở đất nước Ai Cập và Sudan độc tài đã hoan nghênh việc lật đổ một vị tổng thống kỳ cựu từng được coi là không thể bị lật đổ trong thời kỳ đầy kịch tính của làn sóng biến động năm 2011.

Trong khi đó, các nhà hoạt động Ai Cập - những người đã giúp huy động người biểu tình bằng các cuộc gọi trực tuyến để “phế truất” cựu Tổng thống Ai Cập chuyên quyền Hosni Mubarak 8 năm trước - lại chia sẻ những bài học cay đắng mà họ nhận được kể từ cuộc cách mạng của chính họ.

Sau khi Mubarak bị lật đổ, Ai Cập đã bị hủy hoại sau nhiều năm bất ổn, và cuối cùng phải chứng kiến quân đội ép buộc chính người kế nhiệm của Mubarak là Mohamed Morsi phải từ bỏ quyền lực.

Hiện giờ, Tổng thống Ai Cập chính là cựu Tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi, người bị các nhóm nhân quyền cáo buộc lãnh đạo một chế độ có xu hướng đàn áp còn hơn cả chế độ của Mubarak.

Gamal Eid, một luật sư nhân quyền của Ai Cập, cảnh báo người Algeria hãy cảnh giác sau khi chính tư lệnh quân đội của họ đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy Tổng thống Bouteflika ra khỏi quyền lực.

Eid viết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Người anh em Algeria của tôi, đừng rời khỏi quảng trường cho đến khi quân đội rời khỏi nền chính trị và chính phủ. Đừng để bị lừa bởi lời chào mừng của quân đội.”

Đối mặt với sự phô trương sức mạnh của người dân ở Algeria, Sisi đã lên tiếng cảnh báo về những mối nguy hiểm của việc biểu tình và phàn nàn về “sự bất ổn” bắt nguồn từ các cuộc đối đầu chính trị.

Năng lượng mới

Hamza Meddeb, một nhà phân tích độc lập ở Tunisia, cho biết việc Tổng thống Bouteflika kết thúc sự cai trị kéo dài suốt 20 năm qua đã "nhắc nhở các chế độ như Ai Cập rằng chẳng điều gì có thể được coi là lẽ đương nhiên."

Meddeb nói: "Điều đó cho thấy Mùa xuân Arab vẫn còn tiếp diễn ở hiện tại, và không phải là vấn đề của lịch sử, bởi hy vọng thay đổi vẫn còn.”

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng khả năng các sự kiện ở Algeria gây hiệu ứng domino giống như cuộc nổi dậy ở Tunisi từng gây ra cuộc biến động hồi năm 2011 là không cao.

Ông nói: “Người dân đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa hơn để tránh biến những hy vọng thành ác mộng.”

[Tổng thống tạm quyền Algeria cam kết tổ chức bầu cử trong vòng 3 tháng]

Tại Sudan, nơi những thất bại về kinh tế đã làm dấy lên các cuộc biểu tình làm rung chuyển sự cai trị suốt 3 thập kỷ của Tổng thống Omar al-Bashir, những người biểu tình cho biết họ cảm thấy được bênh vực nhờ thành công này.

Omar el-Digeir, lãnh đạo đảng Quốc hội Sudan đối lập, nói với hãng tin AFP rằng: “Điều đã xảy ra ở Algeria sẽ mang lại một năng lượng mới cho phong trào biểu tình ở Sudan. Có những điểm tương đồng giữa những yêu cầu của 2 phòng trào, mặc dù vấn đề ở Sudan phức tạp hơn ở Algeria.”

Những người biểu tình ở Sudan cho biết họ đang lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình vào ngày 6/4 để diễu hành đến trụ sở quân đội và yêu cầu quân đội đứng về phía người dân.

James Dorsey, một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói: “Việc các cuộc biểu tình ở Algeria và Sudan xuất hiện sau một làn sóng các cuộc biểu tình mang tính chính trị và kinh tế-xã hội nhỏ hơn kể từ năm 2011 cho thấy cuộc phản cách mạng ở Trung Đông đã đặt một chiếc vung lên một cái nổi mà có thể sôi bất cứ lúc nào.”

Các cuộc biểu tình cũng cho thấy hy vọng mong manh của những nhà chuyên quyền Trung Đông, những người cho rằng mô hình của Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và cơ hội, và phân phát hàng hóa công cộng kết hợp với việc kiểm soát chính trị và đàn áp nhân quyền ngày càng gia tăng sẽ là minh chứng cho một mô hình bền vững ở chính sân sau của họ.

Rút ra bài học

Các động lực cụ thể ở Algeria - vốn trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc hồi những năm 1990 - dường như đã ngăn chặn các lực lượng an ninh có thể can thiệp để dập tắt các cuộc biểu tình.

Isabelle Werenfels, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về các vấn đề an ninh và quốc tế Đức, nói: “Các nhà lãnh đạo cũng như những người biểu tình trong khu vực đang rút ra bài học từ những gì đang xảy ra ở Algeria.

Tuy nhiên, sự khác biệt ở Algeria chính là việc các lực lượng an ninh không muốn hành động, trong khi các chế độ khác lại cho rằng những phong trào này nên bị đàn áp bằng vũ lực.”

Mặc dù các quốc gia xa hơn như Mỹ, Pháp và Nga đều đã đưa ra phản ứng trước biến động ở Algeria, song các nước ở Nam Phi và Trung Đông vẫn giữ im lặng.

Werenfels nói rằng chính phủ các nước trong khu vực vẫn "cực kỳ cảnh giác," bao gồm cả Tunisia - quốc gia duy nhất trải qua quá trình chuyển đổi dân chủ sau Mùa xuân Arab.

Nhà khoa học chính trị Selim Kharrat viết: "Chúng tôi đang hồi tưởng cuộc cách mạng Tunisia của mình thông qua những người bạn Algeria và nhận thấy rằng sẽ thật tốt nếu có thể quay trở lại các nguyên tắc cơ bản vì Tunisia đang phải vật lộn để tiến lên phía trước."

Chuyên gia địa chính trị Michael Ayari nói rằng Tunisia coi Algeria là một "bức tường thành" chống lại một khu vực hỗn loạn rộng lớn hơn và coi bất kỳ sự bất ổn nào ở đó đều vô cùng "đáng sợ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.