Biểu tình phản đối biện pháp kinh tế khắc khổ ở Tây Ban Nha

Hàng nghìn người dân Tây Ban Nha đã đổ xuống đường phố ở Madrid để tuần hành nhằm phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ.
Biểu tình phản đối biện pháp kinh tế khắc khổ ở Tây Ban Nha ảnh 1 Quang cảnh cuộc biểu tình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/3, hàng nghìn người Tây Ban Nha đã đổ xuống đường phố ở Madrid để tuần hành nhằm phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ, một ngày trước thềm cuộc bầu cử ở Andalusia, khu vực ở miền Nam nước này.

Cuộc bầu cử tại Andalusia, một trong những khu vực nghèo nhất của Tây Ban Nha, diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử khó lường nhất trong nhiều thập kỷ tại nước này.

Những người biểu tình đã thể hiện sự bất mãn với những chính sách kinh tế khắc khổ khiến chính phủ phải cắt giảm chi tiêu với số tiền 162 tỷ USD từ năm 2012-2014. Giáo dục, y tế, và lợi ích xã hội đều bị ảnh hưởng.

Cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình mặc dù cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 17 người vì tội phá hoại và gây mất trật tự công cộng.

Tây Ban Nha đạt mức tăng trưởng 1,4% trong năm 2014, nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài sáu năm qua, nền kinh tế vẫn "dậm chân tại chỗ" với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 23,7%. Một nửa trong số thanh niên ở độ tuổi từ 16-25 không có việc làm.

Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha vẫn tỏ ra lạc quan trước thống kê mới về thị trường việc làm được công bố đầu tháng Một.

Bộ trưởng Lao động và An sinh Xã hội Fatima Banez khẳng định Tây Ban Nha đang tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội có thể đạt 1,5%.

Là nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 do vỡ "bong bóng" bất động sản kèm theo hoạt động yếu kém của hệ thống ngân hàng.

Sau thời gian dài thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ tài chính từ các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kinh tế Tây Ban Nha có dấu hiệu hồi phục chậm.

Tháng 10/2013, lần đầu tiên trong vòng 6 năm, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha tuyên bố nền kinh tế nước này đã chính thức thoát khỏi suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.