Biểu tình tại Paris: Nhận diện những 'Áo vàng' quá khích

Các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" tại Pháp từ một tháng nay đã trở thành “sân chơi” của “bạo lực hội tụ,” được thực hiện bởi nhiều nhóm quá khích khác nhau.
Biểu tình tại Paris: Nhận diện những 'Áo vàng' quá khích ảnh 1Cảnh sát giữ trật tự trong cuộc biểu tình 'Áo vàng' tại Paris, Pháp ngày 8/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" tại Pháp từ một tháng nay đã trở thành “sân chơi” của “bạo lực hội tụ,” được thực hiện bởi nhiều nhóm quá khích khác nhau.

Những cảnh đốt phá, cướp bóc và phá hoại tài sản công bùng nổ trong nhiều cuộc biểu tình “Áo vàng” đã khiến xã hội Pháp lo lắng. Cho dù tỷ lệ ủng hộ phong trào luôn ở mức cao, song không một đảng phái, tổ chức công đoàn hay nghiệp đoàn nào chấp nhận sự bạo loạn tiếp tục tái diễn. Tuy vậy, những kẻ quá khích vẫn len lỏi giữa những đoàn người biểu tình ôn hòa, lợi dụng mọi cơ hội để làm bùng phát căng thẳng.

Theo báo Le Figaro, cho đến nay chưa có một kết luận thực sự chi tiết về “hồ sơ” của những kẻ quá khích. Tuy nhiên, ít nhất có 3 nhóm đối tượng đã được nhận diện, là hậu duệ của ba làn sóng thù hận và bạo lực được sinh ra trong 30 năm qua. Đó là bạo lực được ghi nhận từ nhiều thập kỷ nay trong các xung đột xã hội. Tiếp đó là bạo lực của tầng lớp dân nghèo sinh sống tại các vùng ngoại ô trong những năm 1980. Cuối cùng là bạo lực "chính trị" ra đời từ những năm 1990 sau sự “trỗi dậy” của các “black bloc” (những người biểu tình mặc trang phục đen và che kín mặt) cực tả, và được củng cố nhờ các thành viên cực hữu xuất hiện sau các cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan và khủng hoảng di cư tại châu Âu.

Nhóm bạo lực thứ nhất: phe cực tả và cực hữu

Theo một nguồn tin cảnh sát, những đối tượng này xuất hiện rất nhiều trong đám đông biểu tình, tuy nhiên lại chiếm rất ít trong số những người bị bắt giữ và thẩm vấn bởi vì họ là những “chuyên gia” về cách thức giấu mặt và lẩn trốn.

Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nuñez cũng khẳng định vai trò quan trọng của các đối tượng này trong các vụ gây bạo loạn. Trên các trang mạng xã hội, chân dung của nhóm này rất dễ nhận diện.

Những người theo đường lối cực tả thường gắn liền với các phong trào chống đối, đòi tự trị và phi chính phủ. Họ chối bỏ các tổ chức và người lãnh đạo, kêu gọi biểu tình và đưa ra "lời khuyên" để "tự bảo vệ mình."

Trên đại lộ Champs-Elysées cũng như các tuyến phố trung tâm Paris, từng nhóm nhỏ xuất hiện trong đồng phục đen cùng mũ trùm đầu và kính bảo hộ), liên lạc với nhau bằng những tin nhắn được mã hóa. Trong balô của họ có một bộ quần áo, búa và các công cụ khác có thể biến thành vũ khí.

Như đã làm nhiều lần trong các cuộc xuống đường nhân Ngày Quốc tế Lao động những năm gần đây, họ hòa lẫn với những người biểu tình ôn hòa để tìm cơ hội tấn công các lực lượng an ninh trật tự. Chính quyền Paris đã đưa ra thông tin đáng lo ngại: nhiều cái cuốc và thanh sắt đã được giấu trên các đại lộ trung tâm Paris trong những ngày trước khi xảy ra cuộc bạo loạn.

Theo một chuyên gia về an ninh trật tự, những cách thức hành động được "công khai rộng rãi" trên mạng Internet này cũng có thể được phe cực hữu bắt chước. Các trang mạng của những người theo đường lối cực hữu cũng đầy những lời kêu gọi biểu tình.

Các cơ quan tình báo cũng đã phát hiện ra trong những tuần gần đây sự xuất hiện của "barjols," nhóm cực hữu có thành viên gần đây đã bị bắt vì đã lên kế hoạch tấn công Tổng thống Emmanuel Macron.

Một nguồn tin cảnh sát cho biết vào ngày 1/12, những kẻ cực đoan từ cả hai phe đã thay nhau “chiếm lĩnh” Khải Hoàn Môn. Phe cực hữu có mặt buổi sáng sớm, tấn công các lực lượng an ninh nhưng bảo vệ di tích và ngọn lửa vĩnh cửu trên mộ người lính vô danh dưới chân Khải Hoàn Môn. Sau đó các nhóm cực tả và thanh niên "vùng ngoại ô" chiếm lĩnh hiện trường, lục soát và đập phá di tích.

Nhóm bạo lực thứ hai: giới trẻ "vùng ngoại ô"

Họ có mặt trên đại lộ Champs-Élysées vào các ngày thứ Bảy. Họ kêu gào kích động tấn công lực lượng an ninh cảnh sát. Họ đập phá và cướp bóc các cửa hàng một cách có tổ chức. Công tố viên Paris, Rémy Heitz, đã đề cập đến những thanh niên "có động lực hơn” nhờ tư tưởng tội phạm chiếm đoạt. Họ tràn đến trung tâm thành phố vào đến cuối ngày để "kiếm lợi từ việc cướp bóc, hôi của."

Nhóm bạo lực thứ ba: những người “Áo vàng" mất kiểm soát

Phần lớn những người biểu tình quá khích bị bắt giữ là thuộc phong trào “áo vàng” thuần túy, nhưng mất kiểm soát hành vi dẫn đến bạo loạn. Cảnh sát trưởng Paris Michel Delpuech mô tả "một số lượng rất lớn người biểu tình "Áo vàng" đã không ngần ngại tham gia vào các vụ gây rối phi lý, dưới tác động của "hiệu ứng đám đông" hoặc bị kích động.

Công tố viên Remy Heitz cho biết nhiều người đàn ông trong độ tuổi từ 30 đến 40, đến từ các tỉnh “để chiến đấu với cảnh sát". Người phát ngôn của chính phủ Benjamin Griveaux cũng đã đề cập đến những người "áo vàng" đã để cho mình "bị dẫn dắt đến bạo lực, có lẽ vì họ tưởng rằng đây là cách duy nhất để được lắng nghe."

Nghề nghiệp của những người tỉnh lẻ này rất khác nhau: công nhân, nông dân, cựu nhân viên an ninh, buôn bán nhỏ, tài xế xe tải, thợ kim loại, thủy thủ, ngư dân, thợ mộc...

[Liệu có “bàn tay” của Facebook trong khủng hoảng tại Pháp?]

Về phương thức hoạt động, những "Áo vàng" này tự trang bị kính bảo hộ và mặt nạ, vì đôi khi rất có kinh nghiệm trong việc đối mặt với cảnh sát tại địa phương mình.

Trong những thập kỷ gần đây, vũ khí được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột xã hội bao gồm cả bulông và cuốc. Tuy vậy, cuộc đụng độ lần này không diễn ra ở một địa phương xa xôi mà ngay tại trung tâm Paris.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu "bạo lực hội tụ" có thể tàn phá được kinh đô ánh sáng?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.