Pháp: Biểu tình Áo vàng tác động tiêu cực đến lĩnh vực tư nhân

Kết quả thăm thăm dò dư luận về hoạt động kinh doanh của lĩnh vực tư nhân tại Pháp trong tháng 12 cho thấy Chỉ số Sản lượng Pháp đã sụt giảm từ 54,2 xuống 49,3 trong tháng 12.
Pháp: Biểu tình Áo vàng tác động tiêu cực đến lĩnh vực tư nhân ảnh 1Một nhân viên kiểm tiền tại Rennes, miền Tây France. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên trong hai năm rưỡi qua, sản lượng của khối kinh tế tư nhân tại Pháp đã sụt giảm do chịu tác động trực tiếp từ phong trào biểu tình "Áo vàng" trên cả nước.

Kết quả thăm thăm dò dư luận về hoạt động kinh doanh của lĩnh vực tư nhân tại Pháp trong tháng 12 cho thấy Chỉ số Sản lượng Pháp (Flash France Composite Output Index) đã sụt giảm từ 54,2 xuống 49,3 trong tháng 12. Mọi con số dưới ngưỡng 50 đồng nghĩa với sự suy giảm của hoạt động kinh doanh.

Bình luận về kết quả khảo sát công bố ngày 14/12, ông Eliot Kerr, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, cho biết: "Trước khi có kết quả trên, các dữ liệu thăm dò đã cho thấy nền kinh tế Pháp có thể đạt kỷ lục tăng trưởng hằng quý trong quý 4/2018."

Nếu các số liệu thăm dò đáng buồn trên được khẳng định trong các dữ liệu kinh tế chính thức, thực tế này sẽ thêm vào danh sách dài các vấn đề khúc mắc mà Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt kể từ khi xảy ra cuộc biểu tình "Áo vàng."

Các cuộc biểu tình "Áo vàng" bắt đầu từ ngày 17/11 nhằm phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu, song đã bùng lên thành một làn sóng phản đối lịch trình kinh tế của Tổng thống Macron. Sáu người đã thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong các cuộc đụng độ.

[Các cuộc biểu tình bạo lực ở Pháp là thảm họa cho kinh tế]

Sau ba tuần xảy ra biểu tình, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm tăng lương tối thiểu (SMIC), không đánh thuế tiền làm thêm giờ và các khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động, giảm thuế cho người về hưu có thu nhập ít hơn 2.000/tháng...

Gói biện pháp này sẽ được chi trả bằng tiền chính phủ đi vay, đặt ra nguy cơ đẩy nợ công của Pháp vượt quá giới hạn cho phép là 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu (EU). Trước khi làn sóng biểu tình "Áo vàng" bùng phát, Paris đã đề ra mức thâm hụt ngân sách năm 2019 ở mức 2,8% GDP.

Ngân hàng Trung ương Pháp cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này, đồng thời cho biết tăng trưởng của Pháp trong quý 4/2018 sẽ gần như chững lại.

Theo ngân hàng trên, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 4/2018 so với mức dự báo đưa ra trước đó (và mức đạt được trong quý 3/2018) là 0,4%.

Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) hàng tháng cũng cho thấy các cuộc biểu tình, vốn ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và hoạt động bán lẻ, đã tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh trong tháng 11 vừa qua.

Chỉ số BCI trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 101, từ mức 102 hồi tháng 10 trước đó và là mức thấp nhất trong bốn tháng trở lại đây, chủ yếu do các cuộc biểu tình tác động tới những doanh nghiệp sản xuất ô tô và các công ty công nghệ thực phẩm. Trong bối cảnh đó, các lĩnh vực giao thông, kinh doanh nhà hàng và sửa chữa ôtô cũng đang cho thấy những dấu hiệu thụt lùi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.