Big Data có thể giúp nhà mạng “kiếm lời” từ dịch vụ OTT

Với Big Data, các nhà mạng có thể có tận dụng tập dữ liệu rất lớn này để từ đó vừa cải thiện dịch vụ khách hàng vừa tạo thêm lợi nhuận mới cho mình, thông qua chính các ứng dụng OTT.
Big Data có thể giúp nhà mạng “kiếm lời” từ dịch vụ OTT ảnh 1Một số ứng dụng OTT phổ biến. (Nguồn: ottsource.com)

Từ vài năm qua, doanh thu nhiều công ty viễn thông truyền thống đã giảm mạnh do sự xuất hiện ồ ạt của các ứng dụng miễn phí over-the-top (OTT).
Tuy nhiên, với Big Data, các nhà mạng có thể có tận dụng tập dữ liệu rất lớn này để từ đó vừa cải thiện dịch vụ khách hàng vừa tạo thêm lợi nhuận mới cho mình, thông qua chính các ứng dụng OTT.
Dịch vụ OTT có thể hiểu đơn giản là ứng dụng không phải do các công ty viễn thông truyền thống hoặc các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp cho các khách hàng.
Các ứng dụng OTT thường miễn phí hoặc rất ít phí và khách hàng chỉ cần có kết nối Internet để sử dụng, như Viber, WhatsApp, Skype...
Thị trường OTT đã có bước phát triển vượt bậc do ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại thông minh, đăc biệt tại châu Á.
Theo tập đoàn Informa Telecoms and Media, trong năm 2012, số lượng tin nhắn qua các ứng dụng chat OTT như WhatsApp đã vượt qua số lượng tin nhắn SMS truyền thống khi gần 19,1 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày so với 17,6 tỷ tin nhắn SMS.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ OTT đang buộc nhiều nhà mạng phải suy tính lại chiến lược kinh doanh truyền thống. Một số thậm chí tự phát triển các ứng dụng OTT riêng.
Trong khi vẫn cần thời gian để đánh giả tính hiệu quả của chiến lược này, hiện có một cách thức khác được cho sẽ giúp các nhà mạng có thể tạo thêm dịch vụ giá trị gia tăng: Big Data.
Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi các công cụ, ứng dụng xử lí dữ liệu truyền thống không thể nào đảm đương được.
Mike Ropicky, Phó Chủ tịch Tektronix Communications khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng các nhà mạng có thể tận dụng chính các thông tin có được từ dịch vụ OTT để tạo ra lợi nhuận mới cũng như giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn.
Ông lấy ví dụ về việc một khách hàng tải video về một trận đấu bóng đá World Cup 2014 trên điện thoại di động.
Sau khi vị khách này xem đoạn video đó, “nhà cung ứng dịch vụ có thể nói rằng giờ thì tôi biết anh là người thích xem đá bóng, tôi biết anh ủng hộ đội bóng nào qua những trận đấu anh tải về, vậy tôi có thể gửi đến anh vài thông tin bổ sung cũng như thông tin quảng cáo phù hợp và chúng ta có thể tạo ra lợi nhuận từ đó,” ông Ropicky nói.
Phó Chủ tịch Tektronix Communications khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng nhận định rằng thị trường viễn thông Việt Nam rất tươi sáng, với dân số hơn 90 triệu người và tiếp tục phát triển nhanh.
Không chỉ có vậy, Việt Nam là một trong những thị trường điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Trước những xu thế này, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng xác định dịch vụ dữ liệu dự kiến sẽ trở thành nguồn thu nhập chính cho các nhà mạng Việt Nam trong 5 năm tới./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục