Bình Định: Bất cập trong công tác tu bổ, phục hồi tháp cổ Chămpa

Công tác tu bổ, khôi phục hệ thống tháp Chăm của Bình Định có khá nhiều bất cập khi một số tháp sau tu bổ không giống quy hoạch, sai môtíp, kéo dài thời gian thi công mà vẫn dang dở.
Phế tích Chăm tại Bình Định (Nguồn: TTXVN)

Theo Ban quản lý di tích lịch sử tỉnh Bình Định, những năm gần đây, việc quy hoạch, đầu tư để tu bổ và khôi phục hệ thống tháp Chăm trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập.

Một trong những nguyên nhân chính là vấn đề kinh phí  eo hẹp khiến tỉnh Bình Định phải làm ngược quy trình: tu bổ, phục hồi trước rồi mới tiến hành quy hoạch.

Nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống tháp Chăm chủ yếu từ Trung ương và Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, còn kinh phí địa phương (vốn đối ứng) thì được đầu tư hạn chế.

Chính vì vậy, hầu hết các di tích lịch sử văn hóa có giá trị này vẫn chưa được phát huy tốt trong phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Điển hình là các khu Tháp đôi (thành phố Quy Nhơn) đã được trùng tu từ năm 1991 đến năm 1995, đến năm 1996 Ủy ban Nhân dân tỉnh mới phê duyệt quy hoạch và năm 2008 mới triển khai thực hiện, nhưng diện tích hiện có lại hẹp hơn so với diện tích quy hoạch trước đó.

Tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) là một trong những cụm tháp đẹp, quy mô hoàn chỉnh, đa dạng về loại hình kiến trúc, đã được trùng tu từ năm 1997 đến năm 2004. Nhưng sau 10 năm phê duyệt quy hoạch và xây dựng, triển khai nhiều hạng mục công trình không tuân theo môtíp, như cổng chính ra vào và đến nay vẫn để dang dở.

Các tháp Cánh Tiên (An Nhơn) và Dương Long (Tây Sơn) được tiến hành trùng tu cùng lúc và đến năm 2011 tháp Cánh Tiên được trùng tu hoàn thành, còn tháp Dương Long mới tu bổ từ phần mái lên phần đỉnh chóp, phần tường rào cổng ngõ vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng...

Nguyên nhân của sự bất cập trên, theo tiến sỹ sử học Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cách làm của các địa phương khác là tiến hành các bước quy hoạch, tôn tạo trước rồi mới đến việc tu bổ, phục hồi, thì Bình Định lại làm ngược lại, bởi nguồn kinh phí phục vụ quy hoạch tôn tạo của tỉnh hạn chế và chậm.

Vì vậy, để khắc phục tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí đầu tư tập trung ưu tiên công tác quy hoạch tôn tạo.

Việc tu bổ, phục hồi tháp là một việc làm lâu dài và không nhất thiết phải tu bổ phục hồi hoàn chỉnh toàn bộ kiến trúc di tích, mà chủ yếu gia cố chống xuống cấp để bảo tồn nguyên trạng di tích.

Theo thống kê, Bình Định có một hệ thống tháp Chămpa phong phú về số lượng với 8 cụm và 14 tháp, đa dạng về loại hình, hoành tráng về kiến trúc và độc đáo về điêu khắc.

/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục