Bình Định: Nghị định 67/CP hỗ trợ 305 tàu cá không đạt hiệu quả

Nghị định 67/CP được ban hành năm 2014 quy định một số chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế nhằm phát triển thủy sản nhưng khi triển khai, cả ngư dân và ngân hàng đều kêu... khó.
Bình Định: Nghị định 67/CP hỗ trợ 305 tàu cá không đạt hiệu quả ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, mặc dù Chính phủ rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm ra đang cản trở hoạt động ​sản xuất và đầu tư.

Kiến nghị tại buổi họp Chính phủ tổ chức sáng 1/7, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định dẫn chứng nhiều chính sách đã được ban hành thời gian qua nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Đơn cử là Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ban hành cuối năm 2013, nhưng thực tế việc triển khai lại rất chậm, thậm chí chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, về thuế phí còn bất cập giữa nông sản nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Thủ tục hành chính, sự hỗ trợ của quản lý nhà nước trong việc khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận nguồn lực để đầu tư còn chậm được cải thiện.

Bên cạnh đó, Nghị định 67/CP được ban hành năm 2014 quy định một số chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, ưu đãi thuế nhằm phát triển thủy sản nhưng khi triển khai, cả ngư dân và ngân hàng đều kêu "khó" và dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/CP, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để những bất cập trong quá trình triển khai.

Kết quả, tỉnh Bình Định có 305 tàu được phân bổ và hỗ trợ theo Nghị định này nhưng thực tế mới giải ngân được 15 chiếc, trong khi đó gói tín dụng thực hiện việc giải ngân sẽ kết thúc vào cuối năm nay, do vậy việc triển khai Nghị định 67/CP sẽ không đạt hiệu quả.

"Nhiều người nông dân không sống nổi trên mảnh ruộng của mình, do vậy có người phải lên các thành phố lớn để kiếm việc, làm thêm," ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, nhiều chính sách cũng làm khó doanh nghiệp khi muốn đẩy mạnh đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất. Ông Dũng rất băn khoăn về thủ tục cấp C/O hiện nay, thay vì có thể thực hiện ngay tại địa phương thì nhiều doanh nghiệp muốn cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O lại phải vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để xin cấp, làm mất thời gian, thậm chí đội thêm nhiều chi phí.

Từ những đề xuất trên, ông Dũng kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt ông nhấn mạnh việc tháo gỡ những khó khăn trong việc giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị định 67/CP giúp ngư dân có thể nâng cao hiệu quả của các đội tàu đánh bắt hải sản và yên tâm bám biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.