Bình Định phát huy văn hóa 'đất võ, trời văn' trong phát triển du lịch

Thủ tướng đề nghị Bình Định cần có sự đột phá về du lịch, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ, phát huy yếu tố văn hóa đặc sắc của xứ “đất võ, trời văn” để làm du lịch.
Bình Định phát huy văn hóa 'đất võ, trời văn' trong phát triển du lịch ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, sáng 20/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định - một trong năm tỉnh, thành phố ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Bình Định được biết đến không chỉ là một vùng đất “địa linh, nhân kiệt” mà còn là một địa phương đầy tiềm năng và triển vọng với vị trí địa lý hết sức thuận lợi, là trung tâm của trục Bắc-Nam, cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia thông qua quốc lộ 19 và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn.

Bình Định còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa-lịch sử. Đây là nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ; là nơi in đậm dấu ấn văn hóa Chămpa.

Bình Định cũng chính là cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi; là nơi sản sinh ra môn võ cổ truyền Tây Sơn-Bình Định và cũng là quê hương nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa lớn.

Đặc biệt, Bình Định được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều bãi tắm tuyệt đẹp chạy suốt chiều dài 134km bờ biển của tỉnh như bãi biển Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Quy Hòa, bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại, Hải Giang, Eo Gió, Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, Mũi Rồng-Tân Phụng, Lộ Diêu...

Quy Nhơn-Bình Định từng được Tạp chí du lịch Anh Rough Guide bình chọn là một trong ba điểm du lịch đáng khám phá nhất ở khu vực Đông Nam Á.

[Bình Định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn]

Cùng với những thành tựu chung của cả nước, kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2017 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đang chuyển biến theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước tăng 6,72%; trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp và xây dựng tăng 9,72%, dịch vụ tăng 6,79%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản.

Đặc biệt, hoạt động du lịch và dịch vụ vận chuyển tiếp tục tăng trưởng. Lượng khách đến tỉnh đạt trên 3,7 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Quy Nhơn-Bình Định đang trở thành một “điểm đến mới“ của khách du lịch trong và ngoài nước. Trong năm đã có nhiều dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch được triển khai và đi vào hoạt động... góp phần gia tăng số lượng cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu khách tham quan du lịch.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong điều kiện 2017, gặp thiên tai nặng nề nhưng Bình Định vẫn đạt những kết quả toàn diện. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến với Bình Định, góp phần đưa cơ cấu kinh tế tỉnh phát triển đúng hướng, tích cực trên cơ sở tiềm năng lợi thế của địa phương.

Phi nông nghiệp tăng nhanh, chăn nuôi tăng cao hơn trồng trọt. Dịch vụ đa dạng về quy mô, chất lượng. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới như cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa, chuỗi sản xuất cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới, sản xuất cá ngừ công nghệ Nhật. Tỉnh cũng hình thành được một số mô hình du lịch mới, hiện đại, hiệu quả bằng nhiều nguồn lực.

Thủ tướng nhận xét du lịch Quy Nhơn đã trở thành một thương hiệu ấn tượng đối với du khách. Thu ngân sách của tỉnh đạt khá, tăng 23% so với 2016. Tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông khá đồng bộ.

Tỷ lệ số xã nông thôn mới tăng nhanh trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp. Đời sống và phúc lợi xã hội của người dân được cải thiện. Môi trường đầu tư có tiến bộ rõ rệt, xếp thứ 18 cả nước và thứ 3 ở miền Trung-Tây Nguyên.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của tỉnh như tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, dưới mức tiềm năng. Các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, chưa thúc đẩy có hiệu quả kinh tế-xã hội địa phương, gây lãng phí nguồn lực. Tình trạng phá rừng, xâm phạm đất rừng vẫn xảy ra, tỷ lệ nghèo còn cao so với mức bình quân cả nước. Một số công trình dở dang, gây bức xúc trong nhân dân.

Về các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bình Định phải có quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển với quan điểm tăng trưởng bao trùm. Đây là nhân tố quan trọng để tạo động lực chung cho cả tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh và gợi ý Bình Định cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương trên tinh thần tự lực, tự cường.

Thủ tướng định hướng phát triển Bình Định cần đặt trong tổng thể khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên để khai thác lợi thế về địa kinh tế của vùng. Việc quy hoạch phát triển các ngành kinh tế cần đặt trong quan điểm kinh tế mở nhằm khai thác lợi thế chung của cả vùng.

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch mới đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đầu tư vào Cảng, sân bay - nòng cốt của địa phương. Phải có quy hoạch chặt chẽ hơn 134km bờ biển của tỉnh theo hướng du lịch là trọng tâm và trong tương lai không xa là động lực kinh tế của Bình Định. Phát triển kinh tế đi đôi với phòng chống thiên tai.

Thủ tướng đặt vấn đề nên phát triển Cảng Nhơn Hội ở quy mô như thế nào để đảm bảo chống ô nhiễm môi trường. Giải pháp xử lý hiệu quả xung đột giữa phát triển du lịch, kinh tế và bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ công tác quy hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung phát triển cả bốn trụ cột kinh tế là những thế mạnh vượt trội của địa phương như ngư nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng logistic, du lịch và công nghiệp chế biến; hình thành sản xuất nông công nghiệp. Trước hết là phải phát triển hiệu quả Cảng Quy Nhơn theo hướng quy mô lớn, đa năng sau khi xử lý các vấn đề liên quan.

Bình Định phát huy văn hóa 'đất võ, trời văn' trong phát triển du lịch ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội, Bình Định. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị Bình Định cần có sự đột phá về du lịch, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch Bình Định; tăng cường kết nối với các trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế, nhất là cần phát huy yếu tố văn hóa đặc sắc của xứ “đất võ, trời văn” để làm du lịch.

Về kinh tế biển, Thủ tướng gợi ý tỉnh phát triển ngư trường lớn, đi liền với chế biến thủy sản dịch vụ hậu cần nghề; biến cá ngừ đại dương thành thương hiệu lớn; nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh.

Trong quá trình phát triển, Bình Định cũng cần tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, nhất là đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; tăng cường bảo vệ rừng, đẩy mạnh phong trào trồng rừng. Tỉnh cũng phải tiếp tục giải quyết tốt tình trạng nhà đầu tư treo, dự án treo đang diễn ra.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Bình Định triển khai tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả để phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương năm 2018.

Thủ tướng cũng đề nghị Bình Định tổ chức tốt lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa theo hướng đẩy mạnh văn hóa phi vật thể.

Bình Định phát huy văn hóa 'đất võ, trời văn' trong phát triển du lịch ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dâng hoa tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại quảng trường trung tâm thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Khánh thành từ tháng 5/2017, Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành được làm bằng đồng, cao 15,5m, đặt trong không gian rộng hơn 3.100m2. Đây là bức tượng duy nhất trong cả nước khắc họa hình ảnh Bác Hồ đứng cùng cha mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Tượng đài được xây dựng nhằm ghi lại dấu ấn về thời trai trẻ khi Bác Hồ trăn trở với nỗi đau mất nước, khát khao hướng tới một chân lý cao cả, tìm đường cứu nước, cứu dân. Công trình là niềm tự hào của nhân dân Bình Định, đồng thời là điểm nhấn cho đô thị và là nơi thu hút du khách khi đến Bình Định.

Thủ tướng đã tới thăm quy trình công nghệ cán thép, tìm hiểu điều kiện làm việc và đời sống tập thể kỹ sư, người lao động, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hoa Sen Nhơn Hội-Bình Định là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Hoa Sen, có trụ sở tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bình Định phát huy văn hóa 'đất võ, trời văn' trong phát triển du lịch ảnh 4Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng cũng tới thăm Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái FLC Quy Nhơn. Đây là dự án du lịch lớn nhất tỉnh Bình Định đến hiện nay, được xem là “điểm nhấn” của du lịch Bình Định với cơ sở hạ tầng thuộc phân khúc cao cấp. Từ khi đi vào hoạt động, dự án đã góp phần thúc đẩy du lịch Bình Định phát triển xứng tầm; góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.

Thủ tướng cũng đã thị sát tuyến Quốc lộ 19 mới đang trong quá trình thi công, nối từ cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1A.

Trước khi rời Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, trao quà trong phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam,” người có hoàn cảnh khó khăn của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cho bà con nhân dân huyện Tuy Phước - địa danh bị tàn phá khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ nhưng người dân nơi đây vẫn lập nên những chiến công anh dũng. Tuy Phước không chỉ là địa phương dẫn đầu trong phong trào Đồng Khởi mở màn ở đồng bằng Bình Định mà còn đi đầu trong cuộc đọ sức quyết liệt với quân Mỹ và chư hầu.

Bình Định phát huy văn hóa 'đất võ, trời văn' trong phát triển du lịch ảnh 5Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và tặng quà cho các hộ nghèo vùng lũ và nạn nhân chất độc da cam của huyện Tuy Phước. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tận tay trao quà cho bà con huyện Tuy Phước trước thềm Xuân mới Mậu Tuất, phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng mong muốn bà con nỗ lực, quyết tâm hơn nữa bằng ý chí, nghị lực của mình vươn lên phát triển kinh tế, khắc phục khó khăn, làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.

Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền sở tại lưu ý hơn nữa đến việc chăm lo Tết cho bà con, không để bất cứ gia đình nào trên địa bàn không có Tết, đói ăn, lạt bữa, phấn đấu chăm lo để bà con đón một Xuân mới vui tươi, tiết kiệm và an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục