Bình Định: Tốc độ tăng trưởng cao nhất kinh tế trọng điểm miền Trung

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, trong năm 2020, GRDP của tỉnh Bình Định đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 3,61% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tnăm nay.
Bình Định: Tốc độ tăng trưởng cao nhất kinh tế trọng điểm miền Trung ảnh 1Bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội tỉnh Bình Định năm 2020. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỉnh Bình Định vẫn có bước phát triển số dương, đồng thời tổng sản phẩm bình quân tính theo đầu người trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh Bình Định vẫn đạt 60,6 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm ngoái.

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng cục thống kê tỉnh Bình Định nhấn mạnh tại buổi họp báo nhằm thông báo các chỉ số phát triển của tỉnh trong năm 2020 do Cục thống kê tỉnh Bình Định tổ chức ngày 28/12, tại Bình Định.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, trong năm 2020, GRDP của tỉnh Bình Định đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 3,61% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 nhưng cao hơn tốc độ tăng GRDP của cả nước năm 2020, đạt 2,91% và cao nhất trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2020 (Thừa Thiên-Huế tăng 2,06%, Đà Nẵng giảm 9,77%, Quảng Nam giảm 6,98%, Quảng Ngãi giảm 1,02%).

Bà Nguyễn Thị Mỹ cũng chỉ ra rằng trong tổng GRDP tỉnh Bình Đinh năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 13.700 tỷ đồng, tăng trưởng 3,18%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt trên 14.300 tỷ đồng, tăng trưởng 8,86%, khu vực dịch vụ đạt trên 19.400 tỷ đồng, tăng 0,53%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt trên 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 2,04%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020 cũng gặp một số khó khăn do biến đổi khí hậu và bão lũ xảy ra liên tiếp vào những tháng cuối năm.

[Bình Định: Nông dân các làng trồng hoa tích cực chuẩn bị vụ Tết]

Theo đó, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 153.000ha, giảm 2,6%; tổng sản lượng lúa cả năm đạt trên 619.000 tấn, giảm 3,7%; tổng diện tích cây lâu năm năm 2020 đạt trên 19.400ha, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng diện tích trồng rừng mới cả năm đạt trên 16.000ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, chăn nuôi lợn của tỉnh dần phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, đến nay tổng đàn heo toàn tỉnh hiện nay đạt trên 667.000 con, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Số lượng đàn bò tính đến cuối năm có gần 300 nghìn con, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm hiện có trên 8,8 triệu con, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt gần 264.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 252.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt gần 12.000 tấn.

Trong năm 2020, với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, có 74 doanh nghiệp giải thể và 357 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với những tín hiệu lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 1.028 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 17,6% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm gần 12.000 lao động.

Đáng lưu ý, tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020 đạt gần 39.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Riêng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ.

Trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách năm 2020 của tỉnh Bình Định vẫn đạt được nhiều kết quả cao. Tổng thu ngân sách trong năm của tỉnh Bình Định đạt khoảng 12.200 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt trên 11.300 tỷ đồng, vượt 25,9% dự toán. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện trên 18.000 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo, Cục thống kê tỉnh Bình Định cũng đã công bố một số kết quả cụ thể về tình hình xuất nhập khẩu, dân số, lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, tình hình tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, kiến nghị một số giải pháp để phục hồi và phát triển nền kinh tế tỉnh trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.