Ngày 9/10, Sở Y tế tỉnh Bình Dương ra thông báo khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện test nhanh mẫu gộp để tiết kiệm chi phí trong thời gian đầu khôi phục sản xuất.
Người lao động trước khi vào doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải được xét nghiệm sàng lọc ít nhất 2 lần (lần 1 bằng xét nghiệm test nhanh hoặc PCR trước khi doanh nghiệp hoạt động 3 ngày, lần 2 bằng xét nghiệm test nhanh vào ngày người lao động bắt đầu làm việc).
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải cam kết thực hiện đúng, đủ về tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông; tự chịu trách nhiệm khi mua loại kit test, quy trình test và kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình.
Ngoài ra, người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng không bắt buộc phải làm xét nghiệm (chỉ có thể khuyến khích).
Kết quả xét nghiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải được báo cáo cho Trung tâm Y tế trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố trong khoảng 2 giờ sau khi kết thúc xét nghiệm và phải báo cáo ngay khi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Về điều kiện tổ chức sản xuất, văn bản nêu rõ, đối với cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ,” “1 cung đường, 2 địa điểm” và mô hình “3 xanh” được tổ chức sản xuất khi có phương án đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 tại đơn vị gửi cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh hoặc Sở Công Thương hoặc chính quyền địa phương.
[Các doanh nghiệp tại Bình Dương nhanh chóng nối lại sản xuất]
Đáng chú ý, trong quá trình sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm Thông điệp 5K trong thời gian sản xuất; thực hiện việc xét nghiệm cho toàn bộ người lao động 2 lần/tuần trong 2 tuần đầu, kể từ ngày cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động.
Từ tuần thứ 3 trở về sau, thực hiện xét nghiệm tối thiểu cho 20% người lao động trong tuần; khuyến khích cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xét nghiệm nhiều lần trong tuần để có thể phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19.
Người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh...) phải xét nghiệm 2 lần/tuần.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngày 9/10, tỉnh ghi nhận 820 ca mắc COVID-19 qua xét nghiệm RT-PCR. Số ca mắc mới liên tục giảm sâu trong hai tuần gần đây.
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 221.300 ca mắc COVID-19; có 2.169 ca tử vong. Hiện vẫn còn 19.672 bệnh nhân đang được điều trị.
Bình Dương đã chi hỗ trợ 2.241 tỷ đồng cho hơn 3,5 triệu lượt người bị ảnh hưởng dịch COVID-19./.