Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 25/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp với Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan-Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo trực tuyến thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Dương.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (1976-2021), với sự tham dự của hơn 130 doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết Thái Lan hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 9 của Việt Nam với hơn 600 dự án trong nhiều lĩnh vực như khu công nghiệp, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hóa dầu, chế biến sản xuất, chiến biến thực phẩm, đồ uống...
Ông Nguyễn Thanh Trúc khẳng định tỉnh Bình Dương luôn nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương đến nay đạt trên 35,8 tỷ USD, trong đó đầu tư từ Thái Lan đạt 647 triệu USD với 39 dự án, đứng thứ 13 trên tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan-Việt Nam Sanan Angulbokul và Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Apichit Prasoprat khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Thái Lan khi cùng là thành viên ASEAN và là đối tác chiến lược của nhau; đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Những yếu tố như duy trì ổn định chính trị, kiểm soát hiệu quả tình hình đại dịch COVID-19, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, là một trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh COVID-19... đã giúp bảo đảm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam.
[Để Udon Thani trở thành tỉnh dẫn đầu về hợp tác với Việt Nam]
Theo ông Sanan Angulbokul, thị trường nội địa của Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn so với Thái Lan với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, giúp nâng cao khả năng tiêu dùng của người dân và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp nhất là liên quan đến công nghệ số; tỷ lệ lao động cao trong khi giá nhân công tương đối thấp, giá thành sản xuất thấp hơn từ 10-30% so với Thái Lan trong một số ngành nghề giúp giảm chi phí sản xuất.
Điểm nổi bật của Việt Nam là đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các trung tâm thương mại lớn của thế giới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tạo thuận lợi cho đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
Các chuyên gia tư vấn đánh giá cao lợi thế của Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nước ngoài. Các ưu đãi đầu tư rất hấp dẫn, đặc biệt trong ngành công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý chiến lược-trung tâm kết nối của khu vực Đông Nam Á và bờ biển dài tiếp giáp với các tuyến vận tải quốc tế lớn, mạng lưới FTA rộng mở... là các điểm mạnh của Việt Nam trong thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển trong bối cảnh căng thẳng thương mại và COVID-19.
Các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam cho rằng Việt Nam hội tụ đầy đủ những yếu tố hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và trong tương lai, các điều kiện đầu tư sẽ còn được tiếp tục cải thiện, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tham dự hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành khẳng định đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục là nguồn lực to lớn cho quá trình phát triển của Việt Nam những năm tới nhằm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 theo Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 2021-2030 mà Đại hội XIII của Đảng mới thông quan.
Môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng được cải thiện sau khi Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư theo phương pháp đối tác công-tư 2020 được ban hành với nhiều ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Việt Nam đã tham gia 17 FTA khác nhau, tạo cơ hội mới và rộng mở để kết nối và tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.
Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh tỉnh Bình Dương là điểm sáng trong thu hút FDI, đứng thứ 3 sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bình Dương có lợi thế lớn như vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh với cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách đầu tư thông thoáng.
Kế hoạch phát triển thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Thái Lan với các thế mạnh về nguồn vốn, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ xanh. Đại sứ mong rằng sau hội thảo này sẽ có nhiều nhà đầu tư Thái Lan sớm nắm bắt cơ hội kinh doanh mới tại tỉnh Bình Dương để có những quyết định phù hợp triển khai các dự án ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19./.