Bình Dương thiếu đơn hàng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, da giày, dệt may, gốm sứ, điện tử và sắt thép gặp khó do thiếu đơn hàng xuất khẩu, theo đó, các đơn hàng xuất khẩu giảm từ 20-50% so với cùng kỳ.
Bình Dương thiếu đơn hàng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ảnh 1Đóng gói lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc, Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bình Dương đạt 23 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ; trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt 16 tỷ USD.

Cán cân thương mại đạt xuất siêu 7 tỷ USD.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, các thị trường xuất khẩu truyền thống của địa phương đều giảm so với cùng kỳ.

Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất với 34,4%, nhưng lại giảm 16,8% so với cùng kỳ.

Thị trường EU giảm 3,4%, Nhật Bản giảm 20,2%, Trung Quốc giảm 7,7%, Hàn Quốc giảm 8,7% và Thái Lan giảm 9,8%.

[Bình Dương: Nhiều chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp về thuế]

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, da giày, dệt may, gốm sứ, điện tử và sắt thép gặp khó do thiếu đơn hàng xuất khẩu.

Các đơn hàng xuất khẩu giảm từ 20-50% so với cùng kỳ, khiến nhiều doanh nghiệp kém vui.

Vào cuối quý 3/2023 đã có sự khởi sắc hơn khi một số doanh nghiệp ký kết được đơn hàng mới, mặc dù lượng đơn hàng này vẫn khá khiêm tốn nhưng cũng tạo kỳ vọng về sự phục hồi trong những tháng cao điểm cuối năm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng thị trường, thời gian qua, Bình Dương đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan Tham tán Thương mại nước ngoài để thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại.

Điều này đã giúp doanh nghiệp Bình Dương kết nối và mở rộng thị trường, ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Doanh nghiệp cũng đã đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường liên kết ngành để hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất khép kín.

Phát triển Sản xuất Xanh, Chuyển đổi Số và tăng cường nội địa hóa là các hướng đi quan trọng để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, Hoa Kỳ...

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, ngành đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế bằng cách tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế, kết nối cung cầu cấp khu vực và nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Qua đó, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, máy móc và thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.

Các chính sách kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã phát huy tác động tích cực trong việc phục hồi hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Số lượng đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã tăng lần đầu tiên trong quý 3. Điều này dự báo triển vọng sản xuất và xuất khẩu sẽ tốt hơn trong tương lai và những tháng cuối năm 2023.

Cùng với việc kích cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp và nông sản, ngành chức năng còn thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa để xâm nhập mạng phân phối nước ngoài, tăng trưởng xuất nhập khẩu, nâng cao vị thế quốc gia.

Dự kiến, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của thủ phủ công nghiệp Bình Dương uớc đạt 32,9 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2022, chỉ bằng 86% kế hoạch đề ra; trong đó xuất siêu ước đạt khoảng 9 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.