Tỉnh Bình Dương có 34 khu công nghiệp đã được chấp thuận về quy hoạch theo văn bản 173/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp với 12.662,81ha và đi vào hoạt động 27 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trên 88%.
Năm 2022, Bình Dương sẽ tăng tốc, nhanh chóng mở rộng diện tích khu công nghiệp theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xác định phát triển công nghiệp là hướng đi chủ lực nên từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Bình Dương đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ quy hoạch các Khu công nghiệp và mời gọi đầu tư nước ngoài.
Đến nay, tỉnh Bình Dương có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động và nổi bật là Tổng công ty Becamex IDC là doanh nghiệp chủ lực với 5 khu công nghiệp lớn trên địa bàn là Khu công nghiệp Mỹ Phước 1,2,3, Thới Hòa, Bàu Bàng.
Ngoài ra, Becamex còn liên doanh góp vốn với Sembcorp Industries (Singapore) thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP 1, 2,3)…
Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh với 4.016 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ USD từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ.
Hiện nay, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp đang gặp khó khăn về việc tạo lập quỹ đất, tài chính, công tác đền bù giải tỏa, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cao su sang đất công nghiệp của Tập đoàn cao su Việt Nam.
[Tập đoàn LEGO cam kết đẩy nhanh dự án 1 tỷ USD tại Bình Dương]
Ông Trần Văn Bính, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cho biết, khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn II) của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên có quy mô dự án hơn 345ha nguồn gốc đất của tập đoàn Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Mặc dù các diện tích đất được định hướng chuyển sang làm khu công nghiệp nhưng hiện vẫn còn vướng mắc, do theo phương án cổ phần hóa của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thì các diện tích này vẫn là đất trồng cây cao su.
Ngoài ra, các khu đất thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (đã cổ phần hóa từ năm 2018), có tổng diện tích tới trên 1.036ha.
Cụ thể, khu công nghiệp VSIP III tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên có tổng diện tích 1.000ha thì có khoảng 691ha đất có nguồn gốc thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Tương tự, tại khu công nghiệp Rạch Bắp cũng vướng mắc về nội dung Công ty mẹ, Công ty con cùng góp vốn thành lập Công ty cổ phần Công nghiệp An Điền (Tập đoàn Cao su Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Dầu Tiếng).
Tại đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Công nghiệp An Điền và Công ty Cổ phần khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Công ty cổ phần Công nghiệp An Điền cũng có văn bản cam kết việc không vi phạm các quy định về sở hữu chéo và Công ty mẹ-Công ty con cùng góp vốn.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh cũng đã nắm bắt những vấn đề còn khó khăn và tồn đọng trong việc phát triển các khu công nghiệp. Tỉnh sẽ tăng tốc xử lý những vấn đề trên và nhanh chóng mở rộng diện tích khu công nghiệp theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020.
Đối với vấn đề của Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP III) cũng như Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và các khu công nghiệp khác còn vướng mắc thì tỉnh sẽ cố gắng giải quyết vấn đề chậm nhất vào khoảng quý 1 và quý 2 của năm 2022.
Còn ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đang khẩn trương nghiên cứu và thành lập Khu công nghiệp khoa học công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC Corp) làm chủ đầu tư, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành nghiên cứu hướng dẫn cụ thể để Bình Dương sớm triển khai thực hiện.
Ban cũng sẽ hoàn thiện việc thành lập và triển khai hoạt động Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore III và Khu công nghiệp Cây Trường với tổng diện tích đất 1.700 ha và các Khu công nghiệp khác đang trình hồ sơ mở rộng diện tích.
Ngoài ra, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bình Dương sẽ nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; chủ động phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, tổ chức định kỳ các đoàn xúc tiến đầu tư hoặc các hội nghị trực tuyến để kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu-phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng cao, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.
Tỉnh cũng tận dụng cơ hội của các Hiệp định Thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) để đón nguồn vốn đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường cơ chế đối thoại, các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư hoạt động có hiệu quả.
Ngoài ra, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh quốc gia…
Mục tiêu của năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ cho thuê và cho thuê lại đất từ 100-150 ha; thu hút 1.200-1.300 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; thu hút từ 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; vốn đầu tư xây dựng đạt từ 3.120-4.750 tỷ đồng, đưa từ 100-120 dự án đi vào hoạt động và thu hút thêm khoảng 20.000 lao động./.