Bình Thuận đoàn kết, thực hiện thắng lợi mọi mặt về kinh tế-xã hội

Theo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội, trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và nhân dân Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực, thực hiện thắng lợi mọi mặt về tình hình kinh tế-xã hội.
Bình Thuận đoàn kết, thực hiện thắng lợi mọi mặt về kinh tế-xã hội ảnh 1Đoàn Chủ tịch chủ trì Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sáng 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc.

Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã dự và chỉ đạo Đại hội.

349 đại biểu đại diện cho hơn 37.000 đảng viên toàn Đảng bộ tham dự Đại hội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV có chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng-an ninh; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững; mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.”

Bứt phá mạnh mẽ về năng lượng, du lịch

Theo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội, trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và nhân dân Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực, thực hiện thắng lợi mọi mặt về tình hình kinh tế-xã hội.

Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân 7,64%/năm, trong đó GRDP nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng 16,83%; dịch vụ tăng 5,88%; nông-lâm-thủy sản tăng 2,53%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.856 USD.

Đặc biệt, công nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là công nghiệp năng lượng có sự bứt phá mạnh mẽ.

[Đảng bộ Bình Thuận cần quan tâm thường xuyên công tác xây dựng Đảng]

Tiềm năng về năng lượng được phát huy tốt hơn, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh; đặc biệt, cùng với nhiệt điện than, các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư, hòa lưới điện quốc gia, đã góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước.

Đến nay, địa bàn tỉnh có 36 nhà máy điện đang hoạt động vơi tổng công suất 6.077MW.

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Du lịch Bình Thuận nói chung và Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né nâng cao chất lượng, giữ vững được thương hiệu và uy tín; từng bước trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước và là Trung tâm Du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đón hơn 27 triệu lượt du khách, tăng bình quân 5,64% năm.

Doanh thu du lịch đạt 61.699 tỷ đồng, tăng bình quân 12,51% năm. Công tác quy hoạch, tổ chức lại không gian du lịch được quan tâm; thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực; các dự án du lịch triển khai đạt kết quả tốt.

Hạ tầng và nguồn nhân lực ngành du lịch từng bước được nâng dần chất lượng. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng ngành du lịch.

Bình Thuận đoàn kết, thực hiện thắng lợi mọi mặt về kinh tế-xã hội ảnh 2Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đọc diễn văn khai mạc Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu, năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi.

Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng; hệ số sử dụng đất lúa tiếp tục tăng, những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn.

Cây thanh long trở thành sản phẩm lợi thế có sự tăng trưởng nhanh về diện tích, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.

Tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kinh tế-xã hội các vùng, các địa phương có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hệ thống đô thị từng bước được hình thành; tỷ lệ đô thị hóa tương đương với mức bình quân chung của cả nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến năm 2020 có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,9% số xã, vượt kế hoạch đề ra.

Các điều kiện phát triển dân sinh, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục cải thiện. Các ngành kinh tế biển phát triển khá đồng bộ; huyện đảo Phú Quý có sự phát triển bứt phá về nhiều mặt, được công nhận huyện nông thôn mới vào đầu năm 2015.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được lãnh đạo toàn diện, có hiệu quả. Bình Thuận tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nhất là bớt chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ gắn với thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Công tác cán bộ được chú trọng, có nhiều đổi mới, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định, đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Tập trung vào ba trụ cột để phát triển toàn diện

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Đại tướng Lương Cường biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Bình Thuận đoàn kết, thực hiện thắng lợi mọi mặt về kinh tế-xã hội ảnh 3Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đại tướng Lương Cường yêu cầu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận cần tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm nêu gương, trước hết là người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ và “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; tập trung xây dựng Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, xứng đáng với truyền thống của tỉnh và sự vun đắp của các thế hệ đi trước, làm hạt nhân lan tỏa trong toàn Đảng bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng những lĩnh vực nhạy cảm; thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh Bình Thuận tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa lý, khả năng kết nối liên vùng để phát triển toàn diện, trong đó trọng tâm tập trung vào ba trụ cột được đề ra là: công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.

Để đạt được thành công, Bình Thuận cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh.

Tỉnh chú ý tăng cường liên kết vùng, tạo ra không gian phát triển mới cho Bình Thuận, nhất là với vùng kinh tế động lực phía Nam, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.

Bình Thuận phát triển kinh tế phải gắn chặt với tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo; chú ý chăm lo đúng mức đời sống nhân dân sống ở các vùng phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương.

Bên cạnh đó, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, y tế; bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

Đại tướng Lương Cường yêu cầu Bình Thuận không ngừng củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân.

Là tỉnh có bờ biển dài 192km, vùng lãnh hải rộng 52.000km2, có đảo Phú Quý là hậu cứ của Trường Sa, Bình Thuận cần tăng cường xây dựng mô hình dân quân trên biển, các tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; chú ý thực hiện các biện pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, không để xảy ra điểm nóng; đấu tranh ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Theo chương trình, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra đến ngày 16/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục