Bình Thuận khai thác hải sản gắn với phòng, chống khai thác IUU

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, do tình hình thời tiết không thuận lợi nên hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân trong tỉnh từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng.
Bình Thuận khai thác hải sản gắn với phòng, chống khai thác IUU ảnh 1Một tàu giã cào bốc dỡ thủy sản tại cảng cá . (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình hình thời tiết diễn biến không thuận lợi nhưng ngư dân Bình Thuận vẫn nỗ lực vươn khơi, bám biển. Nhờ đó, hoạt động khai thác thủy sản ở tỉnh Bình Thuận tiếp tục được duy trì ổn định. Sản lượng khai thác tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, do tình hình thời tiết không thuận lợi nên hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân trong tỉnh từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng.

Một số tàu hoạt động vùng khơi chuyên hành nghề vây rút chì, lưới rê, câu… sản lượng khai thác không cao, thời gian bám biển thấp. Đối với nhóm tàu hoạt động ở vùng gần bờ chuyên hành nghề lưới rê nổi ven bờ, lặn hải đặc sản, lưới kéo, lồng bẫy… sản lượng khai thác cũng không nhiều.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản quý 1/2023 của tỉnh đạt 47.600 tấn, đạt 22,7% kế hoạch năm và bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết chuyển lạnh, người nuôi thả giống cầm chừng.

Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối với các địa phương vùng biển tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát môi trường và hỗ trợ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt 2.645 tấn; sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ trong quý 1/2023 ước đạt 5 tỷ post, đạt 20% kế hoạch năm, bằng xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước.

Đi đôi với khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, tỉnh Bình Thuận tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU, nhất là đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của địa phương; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”… nhằm tạo chuyển biến quan trọng về mặt nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để quản lý tàu cá, chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản cũng được triển khai quyết liệt, thường xuyên; tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng, trên biển và thông qua hệ thống giám sát tàu cá; qua đó đã phát hiện sớm để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác IUU, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 9/3, toàn tỉnh có 1.930 tàu cá/1.941 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt tỷ lệ 99,4%, Cùng với đó, đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên, từ đầu năm 2023 đến nay, đã thực hiện đăng kiểm 349 chiếc/3.910 chiếc, đạt tỷ lệ 8,9%.

[Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Quản lý chặt thiết bị giám sát hành trình]

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU, nhưng từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Thuận vẫn xảy ra 1 vụ/1 tàu cá/7 lao động bị nước ngoài bắt giữ. Ngoài ra, các lực lượng  phát hiện và xử phạt 7 trường hợp vi phạm khai thác IUU; nhiều hành vi vi phạm được EU khuyến nghị như hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác hay báo cáo khai thác; tàng trữ công cụ kích điện; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình...

Bình Thuận khai thác hải sản gắn với phòng, chống khai thác IUU ảnh 2(Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Để nghề khai thác hải sản trên biển phát triển đúng định hướng và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh chú trọng quy hoạch ngành nghề, tăng đội tàu đánh bắt khơi xa, giảm dần các loại hình khai thác ven bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phòng, chống khai IUU.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trên cơ sở nhìn nhận rõ những hạn chế, tồn tại; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài, trong năm 2023, Bình Thuận tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại, nhằm mục tiêu trước mắt là khắc phục những khuyến nghị của EC, góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bình Thuận tăng cường quản lý, kiểm soát, không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý kiên quyết nhóm tàu cá có nguy cơ cao; công khai các tàu cá, lao động vi phạm vùng biển nước ngoài tại địa phương và trên hệ thống thông tin đại chúng; vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng với việc tăng cường giải pháp phòng, chống khai thác IUU tại cảng cá; giám sát sản lượng qua cảng, đảm bảo quy trình chặt chẽ, số liệu tin cậy, các lực lượng chức năng tăng cường thực thi pháp luật, thực hiện xử lý nghiêm, kiên quyết tàu cá vi phạm khai thác IUU theo quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.