Bloomberg dự báo nền kinh tế Indonesia tăng trưởng chậm lại

Khảo sát của 16 nhà kinh tế hàng đầu thuộc Bloomberg cho rằng kinh tế Indonesia có thể tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2014, chủ yếu do xuất khẩu giảm và đầu tư yếu.
Bloomberg dự báo nền kinh tế Indonesia tăng trưởng chậm lại ảnh 1Một công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng ở thủ đô Jakarta, Indonesia. (Nguồn: News.cn)

Khảo sát của 16 nhà kinh tế hàng đầu thuộc Bloomberg cho rằng kinh tế Indonesia có thể tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2014 so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu do xuất khẩu giảm và đầu tư yếu.

Bloomberg cho rằng nền kinh tế giá trị 868 tỷ USD của Indonesia có thể chỉ đạt tăng trưởng 5,15% trong quý 2 năm nay, thấp hơn mức 5,21% cùng kỳ năm ngoái và sẽ tác động đến sự tăng trưởng trong quý 3.

Trước đó, Bộ Tài chính Indonesia cho biết nước này hy vọng mức tăng trưởng kinh tế quý 2 sẽ đạt 5,3%.

Ngân hàng DBS cho rằng ngoài những tác động tiêu cực từ bên ngoài, kinh tế quốc đảo tăng trưởng chậm lại còn do ảnh hưởng của lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản thô.

Chính phủ Indonesia đã cấm xuất khẩu kim loại và khoáng sản chưa qua xử lý nhằm góp phần khuyến khích phát triển ngành công nghiệp luyện kim, chế biến trong nước và tăng giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, quyết định này đã ảnh hưởng lớn đến hai ngành sản xuất quan trọng là dầu cọ và than đá.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong quý 2 thấp hơn 2,2 tỷ USD so với kim ngạch nhập khẩu. Lĩnh vực đầu tư cũng chưa có sự phục hồi khi chỉ thu hút được 9,8 tỷ USD trong cùng kỳ do tâm lý lo ngại hay chờ đợi của giới đầu tư liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống mới đây.

Các chuyên gia Ngân hàng DBS và Ngân hàng Danamon dự báo kinh tế Indonesia có thể được cải thiện trong những tháng còn lại của năm nay nhờ đầu tư mạnh mẽ hơn, song nhu cầu xuất khẩu vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI ) vẫn tiếp tục duy trì mức dự báo kinh tế Đất nước Vạn đảo năm nay sẽ tăng trưởng 5,1-5,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.