Trước diễn biến phức tạp dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc để kịp thời điều trị cho bệnh nhân.
Do tập trung chính vào công tác chuyên môn nên việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, lực lượng tại chỗ vẫn còn thiếu sót.
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ, ngày 15/9, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C07) Bộ Công an đã tiến hành làm việc, kiểm tra và hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở điều trị này.
Làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 13 (tại huyện Bình Chánh, quy mô 1.500 giường bệnh, xây dựng trong 11 ngày), Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết, bước đầu kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy cơ sở đã tương đối đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, xây dựng trong thời gian gấp rút nên bệnh viện còn thiếu một số thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy.
[Đề xuất hướng dẫn cơ chế đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến khẩn cấp]
Làm việc với đoàn công tác của Bộ Công an, ông Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 13 cho biết, bệnh viện mong muốn thời gian tới sẽ được lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho nhân viên tại đây nắm rõ kiến thức để sử dụng thành thạo các trang thiết bị; hướng dẫn thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ để kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ.
Bệnh viện sẽ phối hợp cơ quan chức năng lên kế hoạch tập huấn cho cán bộ, nhân viên về các hoạt động này.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 9, đoàn công tác của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở này.
Mới đây, ngày 11/9, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trong đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, barrie, rào chắn lắp đặt để kiểm soát lối ra, vào các cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 phải đảm bảo cơ động và mở kịp thời để thoát nạn, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; cần bố trí địa điểm tập kết cho người thoát nạn (bệnh nhân, nhân viên y tế, các lực lượng khác) đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở y tế, khi đầu tư, lắp đặt trạm cấp oxy trung tâm, hệ thống cung cấp oxy, kho chứa bình oxy y tế, phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn theo quy định.
Những nơi đã lắp đặt, sử dụng nhưng chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định cần tiến hành khắc phục ngay hoặc thực hiện các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn như: xây dựng rào chắn cố định bảo vệ chống va đập, bố trí kho chứa đảm bảo theo yêu cầu, lắp đặt thiết bị điện phòng nổ, lắp đặt bảng chỉ dẫn, biển cấm lửa, có biện pháp che chắn phòng va đập, lắp đặt giải pháp chống tĩnh điện, di dời các đường dây cáp điện ra xa khu vực bồn chứa, trạm cấp oxy./.