Trong năm 2013, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, nhiều vụ cháy nổ do thợ hàn không có kiến thức về an toàn lao động, không xử lý kịp thời sự cố cháy nổ rất nhỏ để dẫn tới cháy lớn dây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Gần đây nhất là vụ cháy khu Zone 9 (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến 6 người chết.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về tình trạng này.
- Tình hình tai nạn cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của diễn ra liên tiếp trong thời gian qua nguyên nhân chủ yêu là do đâu, thưa ông?
- Ông Nguyễn Anh Thơ: Trong năm vừa qua, đã có một số vụ tai nạn cháy nổ nghiêm trọng đã xảy ra liên quan đến lao động như vụ nổ tại xưởng sản xuất pháo hoa tại Phú Thọ, vụ cháy xưởng may tại Bắc Giang, cháy nhà máy sản xuất xốp nhựa ở Bắc Ninh và vụ cháy quán bar ở khu Zone 9 mới đây…
Nguyên nhân của các tai nạn cháy nổ này chủ yếu do thợ hàn trong quá trình làm việc đã vi phạm các quy định về phòng cháy, không thực hiện che chắn các vật liệu dễ cháy, không cách ly khu vực hàn dẫn đến cháy gây thiệt hại nặng. Bản thân người thợ hàn cũng không nắm được quy trình chữa cháy, sử dụng thiết bị chữa cháy nên khi xảy ra cháy họ không biết cách khắc phục nên từ sự cố cháy nổ rất nhỏ dẫn tới hậu quả cháy lớn vì xử lý được sự cố ngay khi phát sinh.
Chính vì đa số thợ hàn tại các cơ sở hàn cắt kim loại nhỏ trên cả nước xuất thân là những người không được đào tạo nghề chính quy mà chỉ được nhận vào tập nghề tại các cơ sở nhỏ, được truyền kiến thức nghề qua những thợ hàn lâu năm, còn kiến thức về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy hoàn toàn không được trang bị, huấn luyện nên khi nhận được các hợp đồng sửa chữa ở các công trình hoặc ngay tại cơ sở của họ đều thiếu các thiết bị an toàn, thiếu kiến thức phòng cháy chữa cháy.
- Vậy phải làm gì để “phòng cháy, chữa cháy” đối với những ngành nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn vệ sinh lao động như nghề hàn cắt kim loại?
- Ông Nguyễn Anh Thơ: Riêng đối với nghề hàn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện” quy định rất rõ về việc phòng chống cháy nổ tại những nơi thực hiện công việc hàn cắt kim loại. Bản thân công việc hàn cắt kim loại cũng đã được đưa vào danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Người làm công việc này phải tham gia vào các khóa huấn luyện về an toàn lao động, phải được kiểm tra sát hạch cấp chứng chỉ sau khóa huấn luyện mới được làm công việc hàn cắt kim loại.
Tuy nhiên, mặc dù pháp luật quy định rất rõ và có cả lực lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhưng các vụ cháy lớn gây thiệt hại về tính mạng con người và tài sản vẫn xảy ra có một phần nguyên nhân do quá trình triển khai văn bản pháp luật, công tác phòng cháy chữa cháy chưa được đầy đủ, việc tuyên truyền chưa đến được từng người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa được tiến hành hiệu quả do lực lượng thanh tra quá mỏng so với số lượng công trình, doanh nghiệp quá lớn.
Ngay bản thân các chủ cơ sở, doanh nghiệp khi có sự cố hư hỏng, thuê thợ hàn đến sửa chữa cũng không quan tâm tới các biện pháp quản lý để đảm bảo thợ vừa có kinh nghiệm, khả năng, kiến thức hàn cắt vừa đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ mà thường phó thác cho nhân viên, bảo vệ, quản lý thuê và giám sát dịch vụ này nên khi sự cố cháy xảy ra không kịp thời khắc phục dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, thậm chí thiệt hại về người.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Công an đưa ra danh mục các nhà xưởng, công trình, khu vui chơi giải trí, khu vực tập trung đông người có nhiều vật liệu dễ cháy… khi tiến hành công việc sửa chữa, hàn cắt kim loại thì chủ cơ sở phải lập biện pháp đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được tiến hành.
Bản thân chủ các cơ sở, người quản lý cũng sẽ phải có trách nhiệm thuê mướn dịch vụ hàn cắt kim loại của các đơn vị có năng lực chuyên môn, nếu làm qua loa, thuê mướn dịch vụ thiếu kiến thức an toàn vệ sinh lao động, để vụ cháy xảy ra thì chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong 10 tháng năm 2013, theo báo cáo sơ bộ, cả nước đã xảy ra 370 vụ tai nạn lao động chết người, làm 412 người chết. So sánh với số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, tai nạn lao động chết người năm 2013 tăng cả số vụ (tăng 3 vụ) và số người chết (tăng 19 người).