Mấy ngày gần đây giá thịt lợn tăng cao trở lại cho dù trước đó 15 doanh nghiệp chăn nuôi đã cam kết giảm giá, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thịt lợn không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, vận hành theo cơ chế thị trường và giá cả do cung cầu quyết định nên bản chất của việc tăng giá là do thiếu hụt nguồn cung. Vì vậy, biện pháp căn bản và lâu dài để ổn định thị trường thịt lợn là tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Chính vì vậy, theo Bộ Công Thương, để đảm bảo nguồn cung chỉ có hai giải pháp là tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học và nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.
Liên quan đến chế tài xử phạt, đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định rằng, cần hoàn thiện thể chế mà cụ thể ở đây là bộ máy của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và Hội đồng xét xử vụ việc cạnh tranh.
[Giá thịt lợn hơi ở nhiều địa phương đột ngột tăng mạnh trở lại]
Bên cạnh đó, do nhu cầu của người dân đối với mặt hàng này quá lớn nên theo đại diện Bộ Công Thương cần đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá.
Nhằm góp phần ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn, thời gian qua Bộ Công Thương đã và đang theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn để có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp điều hành kịp thời.
Mặt khác, Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, với mặt hàng thịt lợn nhập khẩu Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tìm kiếm thông tin và kết nối nguồn nhập khẩu thịt lợn với các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn trong nước. Hơn nữa, Bộ còn phối hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động nhập khẩu nhằm đa dạng hóa nguồn cung.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn còn cao do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Thứ hai là giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu. Thứ ba là do tỷ lệ nguồn cung còn thiếu và còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc kiểm soát khâu trung gian hiện rất khó, phức tạp vì đến khâu giết mổ qua nhiều cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm chưa xây dựng được chuỗi hoàn chỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn xây dựng các chuỗi sản xuất, liên kết chặt chẽ, nhưng cũng cần có lộ trình, thời gian.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, khi xây dựng được chuỗi khép kín thì việc kiểm soát giá cũng dễ dàng hơn. Từ khâu chăn nuôi đến khi vào siêu thị, các ngành chức năng sẽ kiểm soát được giá và việc đóng thuế của doanh nghiệp đã đủ so với giá doanh nghiệp bán sản phẩm như thế nào.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương vào giải pháp quan trọng nhất là tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, việc tái đàn, tăng đàn cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, vi rút có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, cơ sở vật chất hạn chế, khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, do đó người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã hết dịch nhưng chậm công bố hết dịch nên người chăn nuôi chưa được phép tái đàn. Một số địa phương cũng chưa mạnh dạn trong việc tổ chức hướng dẫn tái đàn. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất lợn giống cần ít nhất 5-7 tháng để có thể nhân đủ số lượng và cung cấp cho chăn nuôi lợn thịt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
Bộ đang phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để làm sao giảm bớt khâu trung gian giữa các khâu sản xuất, đến khâu chế biến, đến tiêu dùng ngắn nhất; tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt trong chừng mực ngắn hạn còn thiếu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ.
Hôm nay (15/4), giá lợn hơi trên thị trường cả nước tiếp tục ở mức cao; trong đó, giá lợn hơi miền Bắc dao động từ 85.000-90.000 đồng/kg. Cụ thể, một số nơi ở Thái Bình, Thái Nguyên giá 90.000 đồng/kg; giá lợn hơi ở Hưng Yên cũng từ 88.000-89.000 đồng/kg… Tại miền Nam giá từ 80.000-83.000 đồng/kg.
Hiện giá thịt lợn ngon tại các chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn dao động ở mức từ 140.000-160.000 đồng, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Theo một chủ quầy thịt lợn tại chợ Trung Hòa, giá thịt lợn tăng do giá thịt lợn móc hàm nhập về đã tăng nên bắt buộc phải tăng giá các loại thịt xẻ.
Vừa qua, nhằm chung tay bình ổn giá thịt lợn theo chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống các siêu thị Big C tại các tỉnh phía Bắc đã giảm giá đối với tất cả các sản phẩm thịt lợn. Do vậy giá các loại thịt lợn đã giảm còn từ 127.000-149.000 đồng/kg. Một số sản phẩm chế biến từ thịt lợn cũng giảm giá. Tuy nhiên, chương trình này chỉ kéo dài trong 3 ngày (từ 10/4), đến nay đã kết thúc. Cùng với đó, thời gian giảm không nhiều nên cũng không hấp dẫn người tiêu dùng./.