Bộ Công Thương nêu các nhóm giải pháp để đảm bảo cung ứng xăng dầu

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ rà soát việc thực hiện nhập khẩu xăng dầu cũng như tổng nguồn đã phân giao cho các thương nhân đầu mối để có phân giao phù hợp, đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.
Bộ Công Thương nêu các nhóm giải pháp để đảm bảo cung ứng xăng dầu ảnh 1Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/10, tại Hà Nội, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, cùng với việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đơn vị này đã xây dựng các nhóm giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước.

Xem xét việc điều chỉnh linh hoạt

Thông tin cụ thể hơn, theo ông Đông, nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu, sáng 12/10, Bộ Công Thương đã chủ trì họp với các doanh nghiệp đầu mối sản xuất-kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính và Hiệp hội xăng dầu nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này.

[Tăng trở lại, giá xăng RON95-III lên ngưỡng 22.000 đồng mỗi lít]

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà các chi phí trong cơ cấu tính giá, như chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu để sớm điều chỉnh, có thể tính đúng tính đủ giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, trên cơ sở đó bù chi phí và có khâu chiết khấu phù hợp.

Bộ tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ phù hợp, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu xăng dầu đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa qua tạm thời bị tước giấy phép cũng bị ngân hàng siết tín dụng, Bộ Công Thương sẽ có yêu cầu cụ thể với Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Công Thương nêu các nhóm giải pháp để đảm bảo cung ứng xăng dầu ảnh 2Ông Trần Duy Đông chia sẻ các giải pháp về cung ứng xăng dầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Đông cũng nhấn mạnh trong buổi làm việc sáng nay, Bộ Công Thương đã đề nghị đại diện hai nhà máy lọc dầu trong nước có giải pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký.

Đặc biệt những doanh nghiệp đầu mối hiện đang có nhu cầu có thể sử dụng nguồn hàng tại hai nhà máy lọc dầu dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối không có hợp đồng dài hạn với nhà máy nhưng có nhu cầu mua ngay, bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng.

Song song đó, cơ quan này cũng yêu cầu điều chỉnh cơ cấu sản xuất của hai nhà máy lọc dầu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng sản lượng sản xuất xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương sẽ rà soát việc thực hiện nhập khẩu xăng dầu cũng như tổng nguồn đã phân giao cho các thương nhân đầu mối để có phân giao tổng nguồn phù hợp (cách tiếp cận gồm nguồn nhập khẩu và trong nước) cho các thương nhân đầu mối, đảm bảo đủ nguồn cho quý 4/2022.

- Biến động giá xăng thời gian gần đây:

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ra soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium... nhằm hoàn thiện và sát với tình hình biến động rất nhanh như thời gian vừa qua.

Đơn vị này cũng sẽ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhập khẩu xăng dầu, cho phép phương tiện vận chuyển xăng dầu được đi trong giờ cao điểm dể kịp cấp cho các cửa hàng bán lẻ.

“Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát cần có biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, tránh việc xử lý gây khó dễ cho doanh nghiệp để bảo đảm cung ứng liên tục cho thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng,” ông nói

Tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chi phí xăng dầu 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm, từ cuối năm 2021 đến năm 2022 tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung năng lượng và mặt hàng xăng dầu. Đến thời điểm này, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương, nguồn cung cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân đã cơ bản được đảm bảo đầy đủ.

Theo ông, tại Nghị định 95/CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu, hiện nay, không còn khái niệm doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu mà là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và doanh nghiệp có thể nhập khẩu hoặc mua ngay nguồn trong nước.

Bộ Công Thương nêu các nhóm giải pháp để đảm bảo cung ứng xăng dầu ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, quý 2/2022 vừa qua, do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, giảm công suất xuống 50-55%, thậm chí có thời gian gián đoạn và không còn sản xuất nữa, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 242 yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối phải tăng nhập khẩu để bù cho nguồn thiếu hụt trong nước.

“Nhưng thời điểm đó, doanh nghiệp mua xăng dầu với giá rất cao, sau đó giá liên tục giảm dẫn đến thua lỗ, khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, kể cả chiết khấu cho đại lý trong nước,” ông cho hay.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. "Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn."

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử hôm qua (11/10), Liên bộ Công Thương-Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói việc tăng chi phí này mới được giải quyết một phần. Trong khi đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam dù mới được điều chỉnh tăng lên nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao. Do đó, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với Chính phủ để tiếp tục điều chỉnh chi phí tăng lên để chia sẻ với doanh nghiệp./.

Tại kỳ điều hành ngày 11/10, Liên bộ Công Thương-Tài chính đã tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu doanh nghiệp đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) tại giá cơ sở xăng dầu.

Theo thống nhất của Liên bộ, premium trong nước với xăng RON92 (xăng nền pha chế E5RON92), RON95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel là 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng.

Ngoài ra, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON92 (xăng nền để phối trộn E5RON92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng/lít; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hoả, dầu mazut 0 đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.