Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển

Bộ Công Thương cho rằng cơ sở xác định hàng hóa ùn tắc tại cảng biển là sản lượng hàng hóa tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển đã được doanh nghiệp công bố.
Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển ảnh 1Cảng Gemalink thuộc cụm cảng biển số 5. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Trả lời Công văn số 8823/BTC-TCHQ ngày 6/8/2021 của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Thông tư Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển (dự thảo Thông tư), Bộ Công Thương nhấn mạnh về cơ bản là nhất trí với dự thảo Thông tư.

Tuy nhiên, việc ùn tắc hàng hóa tại cảng biển không chỉ do nguyên nhân của hàng hóa nhập khẩu và khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 mới xảy ra.

Vì thế, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cảng biển tránh việc ùn tắc hàng hóa xảy ra không chỉ do khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bộ Công Thương đề nghị sửa tên Thông tư thành: “Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển."

Bên cạnh đó, đoạn cuối của phần căn cứ, đề nghị sửa đổi nội dung cho phù hợp với việc sửa đổi tên Thông tư nêu trên thành: “Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển."

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất sửa đổi điều 1 thành: “Thông tư này quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển;" bổ sung đối tượng là “Doanh nghiệp chủ hàng."

Về cơ sở xác định hàng hóa ùn tắc tại cảng biển, Bộ Công Thương cho rằng cơ sở xác định hàng hóa ùn tắc tại cảng biển là sản lượng hàng hóa tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển đã được doanh nghiệp kinh doanh cảng biển công bố.

Mặt khác, có văn bản của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc sản lượng hàng tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển được Chi cục Hải quan quản lý kiểm tra, xác nhận đồng ý cho áp dụng thực hiện Thông tư này.

Tại khoản 1 Điều 5 “Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi," đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b thành: Chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng đã xác lập quyền sở hữu hàng hóa với hãng tàu/đại lý hãng tàu và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt. Toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng thuộc một chủ hàng về cùng một cảng biển, cảng cạn, ICD để lưu giữ hàng hóa.

Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển ảnh 2Tân cảng Cát Lái. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi điểm c thành: “Có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý kiểm tra về việc sản lượng hàng hóa tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển và xác nhận đủ điều kiện áp dụng Thông tư này."

Cùng với đó, sửa đổi điểm e thành: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc sau thời gian thực hiện việc vận chuyển hàng hóa cần chuyển cửa khẩu, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa (theo mẫu số 2 ban hành kèm Thông tư này)."

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị cân nhắc bỏ nội dung quy định tại các điểm d, e, g tại khoản 1 Điều 5 bởi hướng dẫn tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này đã cơ bản đáp ứng đầy đủ nội hàm các quy định của điểm d, e, g.

Việc báo cáo được thực hiện qua giao thức hải quan điện tử, sẽ giảm được các bước quy trình thực hiện cho các đơn vị liên quan và phù hợp với thực tiễn do khoảng cách về địa lý giữa điểm đi và điểm đến.

[Doanh nghiệp cảng biển đồng loạt báo lãi nhờ hoạt động xuất nhập khẩu]

Tại Điều 6 về trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung nội dung: “Trường hợp chủ hàng đã hoàn tất thủ tục nhận hàng, xác nhận quyền chủ sở hữu hàng hóa với hãng tàu/đại lý hãng tàu, thì chủ hàng và doanh nghiệp kinh doanh cảng biển sẽ quyết định địa điểm cảng, ICD vận chuyển hàng hóa đến, sau khi được cơ quan hải quan phê duyệt đủ điều kiện áp dụng thông tư này. Chi phí vận chuyển phát sinh do các bên tự thỏa thuận.”

Bộ Công Thương lý giải theo thông lệ, hàng hóa chuyển cảng đích là trách nhiệm của hãng tàu với chủ hàng, nên việc vận chuyển về cảng đích do hãng tàu hoặc tổ chức được hãng tàu ủy quyền thực hiện, khi hàng hóa được vận chuyển đến cảng đích và chủ hàng hoàn tất thủ tục xác nhận quyền chủ sở hữu với hãng tàu, thì hãng tàu mới hết trách nhiệm trên hợp đồng vận chuyển.

Theo quy định của Thông tư này, trường hợp chủ hàng hoàn tất thủ tục xác nhận quyền chủ sở hữu hàng hóa với hãng tàu, thì hãng tàu đã hết trách nhiệm, nên trách nhiệm thực hiện thủ tục hải quan và vận chuyển đến cảng, ICD để lưu giữ chờ thông quan theo Thông tư này sẽ do chủ hàng hoặc tổ chức được chủ hàng ủy quyền thực hiện.

Do đó, đề nghị làm rõ và bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp nêu trên, chủ hàng phải cung cấp thêm chứng từ là Lệnh Giao hàng của hãng tàu và Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện thực hiện thủ tục hải quan và vận chuyển, trong hồ sơ Đề nghị vận chuyển về cảng, ICD chờ làm thủ tục thông quan cho cơ quan hải quan xét duyệt mà không cần ý kiến của hãng tàu.

Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển ảnh 3Hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bộ Công Thương cũng đề nghị bỏ điểm b khoản 2 Điều 7 vì hàng hóa được vận chuyển bằng hình thức vận chuyển độc lập, nên khi hàng hóa đã tập kết đầy đủ tại điểm đến, cơ quan hải quan điểm đến xác nhận hàng hóa đã đến điểm đến bằng nghiệp vụ BIA trên hệ thống hải quan điện tử.

Tại khoản 3 Điều 7, nhằm hỗ trợ việc vận chuyển nhanh, kịp thời xếp dỡ hàng hóa lên tàu, giải phóng hàng hóa và tàu nhanh chóng, đề nghị sửa đổi, bổ sung thành: “Đối với hàng hóa container xuất nhập khẩu, trung chuyển còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển thuộc đối tượng quy định tại Điều 50 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại điểm 3 khoản 28 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính, khi thực hiện theo hình thức vận chuyển độc lập giữa các cảng thuộc cùng khu vực giám sát của cùng chi cục Hải quan quản lý thì không thực hiện niêm phong hải quan."

Bởi theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính, hàng hóa khi thực hiện theo hình thức vận chuyển độc lập giữa các cảng thuộc cùng khu vực giám sát của cùng chi cục Hải quan quản lý vẫn phải niêm phong hải quan trước khi vận chuyển.

Tại Điều 8 “Hiệu lực thị hành, Bộ Công Thương đề nghị làm rõ nội dung tại khoản 2. Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 thành: “Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc có liên quan, cơ quan hải quan, người khai hải quan và các đơn vị tổ chức có liên quan báo cáo phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính để được xem xét, giải quyết."

Ngoài ra, tại mục 3 Phụ lục 1, ở cột “Biển kiểm soát phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa," đề nghị chỉ thể hiện loại hình vận chuyển là thủy hay bộ.

Theo Bộ Công Thương, trong hoạt động vận tải chỉ có thể biết chính xác tên phương tiện, biển kiểm soát phương tiện vận chuyển sau khi cơ quan hải quan phê duyệt hàng hóa đủ điều kiện vận chuyển và trong quá trình xếp, dỡ hàng hóa lên phương tiện sẽ có những phát sinh liên quan đến kỹ thuật vận hành của phương tiện nên có sự thay đổi. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị chỉ thực hiện giám sát theo tuyến đường, thời gian vận chuyển và kẹp chì hải quan, hãng vận chuyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.