Bộ Công Thương nói gì về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần tính toán các biện pháp khác để đảm bảo hạn chế mức tăng giá có thể tác động đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ Công Thương nói gì về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu? ảnh 1Các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, sau đó sẽ đưa ra ý kiến về việc có nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hay không.

Đây là thông tin được bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đưa ra tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6, tại Hà Nội.

Tránh những cú sốc tăng giá

Theo Nghị định 95/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày một lần, thay vì 15 ngày một lần như quy định trước đây.

Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

[Vượt ngưỡng 32.300 đồng mỗi lít, giá xăng RON95-III lên mức kỷ lục]

Với việc giá xăng dầu liên tục biến động mạnh trong thời gian qua, theo bà Nga, quỹ BOG thời gian vừa qua đã hỗ trợ nhiều cho việc giá xăng dầu không tăng sốc, tránh những cộng hưởng tăng giá.

Đối với vấn đề giảm thuế xăng dầu, bà Nga giải thích, từ tháng 9/2021, Vụ Thị trường trong nước đã cung cấp thông tin khẳng định Bộ Công Thương luôn phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước để nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vấn đề giảm thuế.

Theo bà Nga, việc giảm thuế đã giúp giá xăng dầu trong nước không bị tăng sốc khi thị trường thế giới tăng phi mã. Cụ thể, từ đầu năm đến kỳ điều hành ngày 13/6, giá bình quân mặt hàng xăng dầu thế giới đã tăng 41,36- 84,35%. Tuy nhiên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 24,42-62,44%.

“Việc điều hành giá này đã có sự tham gia quan trọng từ các giải pháp vĩ mô của kinh tế Việt Nam cũng như có vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức tăng này cũng giúp kiềm chế đà tăng của CPI chỉ với 2,25% sau 5 tháng đầu năm, trong khi các nước lân cận, mức lạm phát cao hơn nhiều,” bà Nga nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, quỹ bình ổn giá xăng dầu như "hồ điều hòa," phần "tiết kiệm" để lúc cần thì bỏ ra.

Dẫn chứng thêm, ông cho biết, thời gia vừa qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước nhờ quỹ này nên mức tăng vẫn thấp hơn. Tuy vậy, quỹ BOG có mức độ, do vậy không thể lạm dụng quỹ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ thì cũng cần biện pháp khác để đảm bảo hạn chế mức tăng giá tác động đến người dân và doanh nghiệp.

"Nếu nói bỏ thì đơn giản, nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét. Bởi lẽ, nếu bỏ quỹ có thể khiến giá tăng sốc, giật cục. Đơn cử, lần gần đây, giá tăng từ 4.000-5.000 đồng nếu không có quỹ thì thế nào?" ông Hải đặt câu hỏi và cho biết Bộ Công Thương sẽ có những ý kiến về vấn đề này.

Đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu

Tại phiên họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện nay, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế. Việt Nam hiện nay đang chọn Singapore Plug - đây cũng là cơ sở để tính giá xăng dầu trong nước.

“Đối với thị trường Malaysia cũng không có gì khác biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường châu Á khác,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Riêng về nguồn cung, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù sản xuất trong nước, đặc biệt là ở nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang gặp khó khăn và việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng không dễ.

Về giải pháp thời gian tới, ông Hải khẳng định Bộ Công Thương luôn ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng và phải công bố, phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu.

- Biến động giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây:

Trong khi đó, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đã làm rõ hơn về việc dự trữ xăng dầu tại Việt Nam. Theo đó, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn: Dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia.

Hiện nay, dự trữ sản xuất đến từ 2 nhà máy lọc dầu. Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.

“Thực tế hiện nay, nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia so với các nước khác như Mỹ hoặc Nhật Bản còn mỏng. Tuy nhiên, đề đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tháng 9 vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ,” đại diện Vụ Kế hoạch cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.