Bộ Công Thương vừa phản hồi về thông tin liên quan đến đề xuất của cơ quan này về kết quả của đoàn kiểm tra việc thực hiện Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương về tăng giá điện gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2019.
Cụ thể, đại diện Bộ Công Thương khẳng định không kiến nghị “xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về điều chỉnh giá điện,” khiến dư luận bức xúc cho rằng, Bộ “đòi xử lý” người góp ý kiến.
Dẫn lại nguyên văn câu viết đó, đại diện cơ quan này cho biết, “Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện… đồng thời “có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.”
Cũng theo đại diện cơ quan này, Bộ Công Thương thường xuyên tổng hợp thông tin phản biện từ công chúng, người dân, trên phương tiện truyền thông báo chí và mạng xã hội, tiếp thu tất cả mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, các thông tin phản hồi chính xác để đảm bảo thực hiện đúng và hiệu quả nhiệm vụ của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, khi có ý kiến và phản biện của người dân và cơ quan truyền thông, Bộ Công Thương nhận thấy rằng, cách diễn đạt kể trên trong văn bản có thể gây hiểu nhầm cho dư luận, cho rằng Bộ Công Thương đánh đồng những phản biện tích cực (có thể là trái chiều với quan điểm, chính sách của Bộ nhưng vẫn là những ý kiến phản biện rất đáng được hoan nghênh và cần tiếp thu) với những thông tin cố ý bịa đặt, làm sai lệch thông tin gây hoang mang trong dư luận.
Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định, luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý, phản ánh của người dân, kể cả những quan điểm, ý kiến trái chiều để xem xét, tiếp thu xây dựng các chính sách đúng đắn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
"Về việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời phối hợp làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm để dư luận hiểu đúng, từ đó sẽ chấp hành tốt hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ," đại diện cơ quan này cho hay.
[Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm toán việc điều hành giá điện]
Mặt khác, tiếp nhận phản ánh của dư luận, cũng như quá trình kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương cho rằng, đời sống người dân đã cải thiện, nhu cầu sử dụng điện cũng cao hơn, nên việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang mới cho các hộ gia đình là yêu cầu chính đáng và cần thiết.
Chính vì vậy, cơ quan này đang chỉ đạo nghiên cứu đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, song song với đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội.
Trong yêu cầu với EVN, Bộ Công Thương cũng đề nghị phải liên tục tiếp thu, phản hồi ngay tất cả các thắc mắc về hóa đơn tiền điện cho người tiêu dùng. Tới đây, ngành điện sẽ tiếp tục phải tổ chức các chiến dịch phổ biến thông tin, tuyên truyền về giá điện đến người tiêu dùng.
“Về phía nhà nước và doanh nghiệp, chúng tôi đã, đang và sẽ làm hết sức mình để công khai, minh bạch và giải trình về giá điện với người tiêu dùng. Với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương sẽ chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để có thông tin chính thức, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương luôn luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý chân thành, xây dựng của các nhà khoa học, các cơ quan báo chí và đặc biệt là người tiêu dùng,” đại diện cơ quan này cho biết thêm./.