Bộ Công Thương cho biết, trong năm nay, lãnh đạo Bộ đã giao nhiệm vụ cho Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ công khai các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Trong hoạt động của Bộ, sẽ quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ.
Đối với Vụ Kế hoạch, Bộ đã giao đơn vị này đôn đốc các đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án tái cơ cấu ngành công thương và kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp.
Theo đó, xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Từ đó tiếp tục bổ sung một số nội dung, tăng cường một bước trong quản lý hoạt động ở lĩnh vực này.
Ngoài ra, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, về đổi mới doanh nghiệp, năm 2018 vừa qua, Bộ đã thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp tại các đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM); phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Các Tập đoàn đã chủ động triển khai tích cực theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
[Chưa phát hiện lợi ích nhóm trong thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước]
Về cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, PVN thực hiện thành công cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đối với BSR, PVPOWER, PVOIL và EVENGENCO3.
Đối với việc cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV, Công ty mẹ - VINACHEM, Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam và Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị này tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Đối với Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC do vướng mắc đặc thù nên công tác cổ phần hóa chưa thực hiện theo kế hoạch, Bộ Công Thương đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các trường hợp trên.
Đối với các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (VEAM, MIE, Petrolimex, Habeco), Bộ Công Thương đang triển khai tích cực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc bàn giao sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã triển khai các hồ sơ, thủ tục để bàn giao 6 đơn vị theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động tổ chức các buổi làm việc với Ủy ban để trao đổi, đánh giá kỹ tình hình và cụ thể hóa cơ chế phối hợp để tiếp tục xử lý các vấn đề ở các Tập đoàn, Tổng công ty sau khi được chuyển giao về Ủy ban theo đúng các quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm quá trình giải quyết công việc liên tục không bị gián đoạn.../.