Bộ Công Thương: Số tiền điện hỗ trợ trong đợt 3 khoảng 1.300 tỷ đồng

Đại diện Bộ Công Thương cho biết số tiền giảm giá điện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch COVID-19 đợt 3 từ 1.200-1.300 tỷ đồng.
Bộ Công Thương: Số tiền điện hỗ trợ trong đợt 3 khoảng 1.300 tỷ đồng ảnh 1Bộ Công Thương họp báo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Ước tính tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 3 vào khoảng 1.200-1.300 tỷ đồng."

Thông tin trên được ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/6, tại Hà Nội.

Theo ông Quang, trên cơ sở phân tích đánh giá lựa chọn các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, xem xét khả năng cân đối tài chính của EVN nhằm đảm bảo việc giảm giá điện, giảm tiền điện không tạo ra áp lực tăng giá điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành báo cáo Chính phủ phương án giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3.

Sau khi được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn EVN, các Tổng công ty Điện lực và các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để thực hiện ngay việc hỗ trợ việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng (kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021).

[Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly]

Cụ thể, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch theo qui định tại Luật Du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ngoài ra, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 không thu phí và giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19…

Trước đó, trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch COVID-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt, với số tiền gần 12.300 tỷ đồng

Liên quan đến việc cung ứng điện, ông Trần Tuệ Quang ước tính, trong 6 tháng cuối năm, tổng sản lượng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự kiến đạt 135,515 tỷ kWh, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện đạt 265,497 tỷ kWh, tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 1,18% so với Kế hoạch dự kiến.

"Hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường," ông Quang nói.

Trước đó, theo ông Quang, tiêu thụ điện của cả nước trong những tháng đầu năm liên tục tăng cao.

Đơn cử, ngày 1/6, sản lượng của hệ thống điện quốc gia đạt 880,3 triệu kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 10,3% so với sản lượng cực đại năm 2020.

Tiếp đến, ngày 2/6, công suất của hệ thống điện quốc gia đạt 41.558 MW, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 7,9% so với công suất cực đại năm 2020.

"Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết và các sự kiến chính trị quan trọng của đất nước,” ông Trần Tuệ Quang nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.