Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 462/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo đó, danh sách Ban soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 47 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Phó Trưởng ban; các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, Viện nghiên cứu, Hiệp hội; đại diện Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp ngành năng lượng.
Danh sách Tổ biên tập Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 136 thành viên, do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa là Tổ trưởng, 4 Tổ phó là lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Các thành viên Tổ biên tập là đại diện các đơn vị đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, Viện nghiên cứu, Hiệp hội; đại diện Sở Công Thương các tỉnh thành phố, các doanh nghiệp ngành năng lượng và chuyên gia độc lập.
Sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Điện lực
Theo Quyết định 462/QĐ-BCT, Ban soạn thảo, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên Ban soạn thảo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 54 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Điều 26 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ biên tập có trách nhiệm giúp Ban soạn thảo thực hiện biên soạn và chỉnh lý dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tổ trưởng và các thành viên Tổ biên tập thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 27 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp với Cục Điều tiết điện lực, các đơn vị có liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương tổ chức soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, tiến độ và tuân thủ các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để trình Quốc hội.
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội ban hành.
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến rộng rãi vào cuối tháng 3/2024 và tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến góp ý. Sau khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định việc trình dự án Luật lên Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024)./.