Bộ Công Thương thông tin việc Big C tạm dừng nhập hàng dệt may Việt

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, vụ việc của Big C với 200 doanh nghiệp cần được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Big C với các đối tác Việt Nam và phải tuân thủ pháp luật.
Bộ Công Thương thông tin việc Big C tạm dừng nhập hàng dệt may Việt ảnh 1Một trong những địa điểm của BigC Việt Nam tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại phiên họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này đã có buổi làm việc với đại diện tập đoàn Central Group Việt Nam và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam về việc Big C tạm dừng nhập hàng dệt may của doanh nghiệp Việt.

Theo ông, tại buổi họp sáng 4/7, phía Central Group Việt Nam cho biết, tập đoàn đang có chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại Việt Nam và cần có thời gian nhất định nên tạm dừng mua hàng của một số doanh nghiệp Việt Nam, trước mắt là 15 ngày, đồng thời phía Big C đã có thư giải thích cho các đối tác là chỉ tạm dừng trong thời gian này, còn các đơn hàng đã ký sẽ vẫn tiếp tục được triển khai.

Ông Hải nêu rõ, quan điểm của Bộ Công Thương là đánh giá cao những đóng góp về tạo việc làm, giúp nông sản Việt Nam trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng không qua trung gian… nhưng mặt khác Bộ Công Thương cũng nêu quan điểm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, vụ việc của Big C với 200 doanh nghiệp cần được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Big C với các đối tác Việt Nam và phải tuân thủ các quy định khác theo pháp luật Việt Nam.

“Sau khi làm việc, bước đầu Big C cam kết ngay trong ngày hôm nay sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp của Việt Nam. Trong 2 tuần tới Big C tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp của Việt Nam và sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục được mở đơn hàng; 50 nhà cung cấp còn lại sẽ phải làm việc kỹ hơn do chưa bảo đảm được những cam kết theo hợp đồng đã ký. Big C cam kết tuân thủ đúng với hợp đồng đã ký kết giữa Big C với các nhà cung cấp Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Trước đó, vụ việc của Big C về việc tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019 đã vấp phải sự phản ứng của hàng trăm doanh nghiệp chuyên cung ứng sản phẩm dệt may cho Central Group.

[Big C Việt Nam khẳng định không dừng kinh doanh ngành hàng may mặc]

Cụ thể, trong thông báo gửi đến các nhà cung cấp, Central Group sẽ ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam. Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết việc hệ thống siêu thị Big C ngừng nhập hàng may mặc của các nhà cung cấp từ sáng 3/7 sẽ gây thiệt hại lớn cho đơn vị sản xuất và cung ứng. Họ đã “trở tay” không kịp trong việc tìm đối tác mới hay đầu ra cho sản phẩm; đồng thời tạm ngừng sản xuất thì không chỉ hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà hàng nghìn công nhân cũng buộc phải tạm nghỉ việc.

- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói về việc Big C tạm dừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam:

Trong chiều 3/7, đại diện Central Group đã có cuộc gặp gỡ và thương thảo với các nhà cung cấp. Theo đó, nhà bán lẻ này cam kết sẽ phối hợp cùng đơn vị sản xuất kinh doanh thương thảo để đưa ra giải pháp trong vòng hai tuần tới và xem xét các đề xuất của nhà cung cấp.

Tại cuộc gặp gỡ và thương thảo với các nhà cung cấp, Central Group cho biết, Big C Việt Nam đang phát triển các thương hiệu mới cũng như đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình.

Bên cạnh đó, để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa kế hoạch này. Việc tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó.

Big C Việt Nam cũng đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp để đem đến cho khách hàng các sản phẩm Việt Nam với chất lượng cao nhất.

Hiện tại, Big C Việt Nam có hơn 4.000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình và đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất, đáp ứng không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.