Bộ Công Thương thực thi hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do

Kể từ 1/1/2021, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã có mức tăng trưởng cao, với mức 15,4%.
Bộ Công Thương thực thi hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do ảnh 1Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tại buổi họp báo chiều 12/1. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hai năm trở lại đây, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Bộ Công Thương luôn đạt  kết quả tích cực. Sở dĩ vậy bởi bên cạnh việc thị trường nước ngoài phục hồi, cầu tiêu dùng phục hồi lại, còn là việc thực thi khá hiệu quả các FTA, nhất là các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn như Hiệp định tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Hiệu quả từ FTA

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/1, bà Nguyễn Cẩm Trang-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, từ năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực.

Hơn nữa, ngay cả khi thị trường EU gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng trong 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (tháng 8-12/2020) có mức tăng trưởng dương, thay vì tăng trưởng âm trước đó, đạt 3,8%. Đáng lưu ý, trong vòng 7 tháng tiếp theo mức tăng trưởng lại đạt 17,8%.

Với UKVFTA, Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực triển khai đàm phán ngay sau khi Anh chính thức ra khỏi EU để các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này không bị gián đoạn.

Theo đó, kể từ 1/1/2021, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã có mức tăng trưởng cao, với mức 15,4%.

Còn với CPTPP, 2 thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA là Mexico, Canada cũng có tăng trưởng trên 2 con số. Điều này chứng tỏ, các FTA thế hệ mới bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Bên cạnh các FTA thế hệ mới, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng được kỳ vọng tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bà Phạm Quỳnh Mai-Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Vì thế, doanh nghiệp sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của hiệp định RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau.

Việc này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định.

Hơn nữa, RCEP còn tạo khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

Với quy tắc xuất xứ chung của RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu không chỉ của các nước ASEAN mà cả các nước đối tác khác.

Chẳng hạn như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để sản xuất hàng hóa, xuất khẩu sang bất kỳ nước nào trong RCEP và được hưởng ưu đãi từ hiệp định. Vì thế, việc thực thi RCEP tạo điều kiện lớn cho Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Chủ động nắm rõ cuộc chơi

Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, Bộ Công Thương đã liên tục đến phổ biến tuyên truyền về cơ hội, những quy định, quy tắc xuất đáp ứng để hưởng ưu đãi; dung lượng, thị hiếu, quy định cụ thể mặt hàng nhập khẩu… thông qua các hội nghị, tập huấn chuyên sâu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương còn tạo lập riêng cổng thông tin về FTA (FTAP) và được ví như công cụ hữu ích khi doanh nghiệp xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nào có thể tra cứu ngay ưu đãi thuế, quy định xuất xứ.

[Thụy Sĩ mong muốn sớm ký kết hiệp định FTA với Việt Nam]

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường cũng được Bộ Công Thương quan tâm.

Hơn nữa, trong bối dịch COVID-19, xúc tiến thương mại đã số hóa, đổi mới, có những hoạt động giao thương, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có FTA.

Bộ Công Thương thực thi hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do ảnh 2(Ảnh: TTXVN)

Đáng lưu ý, Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực ký kết các FTA, mở ra cơ hội về mặt thuế quan cho doanh nghiệp khi xuất khẩu, điều kiện cần là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, từ đó tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Đánh giá thêm về việc tận dụng hiệp định RCEP, bà Phạm Quỳnh Mai cho biết, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành kế hoạch hành động thực thi Hiệp định RCEP.

Cụ thể bao gồm các nội dung liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến các cam kết của Hiệp định cũng như hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên theo bà Phạm Quỳnh Mai, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin các FTA; trong đó có RCEP vì chỉ có thông qua việc nắm vững cam kết doanh nghiệp mới có thể tận dụng các cam kết này một cách hiệu quả và để nâng cao tỷ lệ sử dụng ưu đãi của doanh nghiệp.

Mặt khác, doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin thị trường, đặc biệt là quy định về mẫu mã hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch của các nước như New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng hiệu quả vốn, chuyển giao công nghệ để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và toàn cầu.

Bà Phạm Quỳnh Mai cho hay, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi hiệu quả các hiệp định, trong đó có Hiệp định RCEP vừa mới có hiệu lực.

Đơn cử như việc tuyên truyền, phổ biến các cam kết của hiệp định cho cộng đồng doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nắm vững thông tin hơn nữa và có thể tận dụng tốt hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Tuy nhiên, do tình hịch dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên chưa thể hành phổ biến, cam kết theo hình thức truyền thống qua các hội nghị, hội thảo tại các tỉnh thành lớn cũng như là các địa phương khác, mời doanh nghiệp, hiệp hội đến để trao đổi thông tin.

Bởi vậy, Bộ Công Thương cũng đã chuyển hướng sang hình thức cung cấp thông tin thông qua Cổng thông tin điện tử FTAP để doanh nghiệp vẫn có thể chủ động nắm rõ thông tin nhằm tận dụng tối đa hiệu quả mà các FTA mang lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.