Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm trên 200 điều kiện đầu tư kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Công Thương và các lãnh đạo Bộ đã nhiều lần khẳng định, việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh luôn được Bộ quan tâm.
Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm trên 200 điều kiện đầu tư kinh doanh ảnh 1Trụ sở Bộ Công Thương. (Nguồn: moit.gov.vn)

Trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP và theo đó, cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 17 tháng 1 năm 2020 về việc tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Với 446 thủ tục hành chính hiện có, Bộ Công Thương cũng đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 152 thủ tục (132 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp tỉnh; 18 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện, 2 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã).

Bộ trưởng Bộ Công Thương và các lãnh đạo Bộ đã nhiều lần khẳng định, việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh luôn được Bộ quan tâm, được thực hiện một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất, không phải vì lợi ích của Bộ Công Thương, ngành công thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng.

[Cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất chỉ thực hiện khoảng 30%]

Qua các đợt cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã cho thấy, thay đổi mang tính lịch sử của ngành công thương.

Đặc biệt là sự thay đổi về mặt tư duy đổi mới cũng như quyết tâm cải cách vì lợi ích của quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp của Bộ.

Thêm vào đó, việc tiên phong đi đầu của Bộ Công Thương đã lan toả được tinh thần cải cách tới các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp.

Theo các ý kiến phản ánh trực tiếp của doanh nghiệp người dân thời gian qua, sự cải cách của Bộ Công Thương nói riêng và các Bộ ngành khác nói chung đã mang lại những lợi ích thiết thực. Cụ thể, điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, thủ tục hành chính đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, thái độ phục vụ doanh nghiệp của cán bộ công chức đã có chuyển biến tích cực.

Trong số các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 82; năm 2017 vươn lên vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc. Năm 2018-2019, tuy thứ hạng về môi trường có sụt giảm nhưng nhiều chỉ số vẫn được đánh giá tốt, rất tốt và có cải thiện nhanh.

Một đánh giá khác của Diễn đàn kinh tế thế giới mới đây, trong "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019" đã xếp hạng, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ mức xếp hạng 77 hồi năm 2018 lên mức 67 trong năm nay.

Để cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa, trong thời gian tới Bộ Công Thương vẫn tiếp tục tiến trình cải cách của mình theo sự chỉ đạo của Chính phủ, không vì lợi ích riêng mang tính cục bộ mà vì quyền lợi của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.