Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo số 27/BC-BCT gửi Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 100/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt do tình hình dịch COVID-19.
Theo Bộ Công Thương, việc lùi thời gian sửa đổi là cần thiết trong thời điểm hiện nay, khi Chính phủ, các bộ, ngành; trong đó có Bộ Công Thương đang tập trung thực hiện chống dịch.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có công văn giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trên cơ sở báo cáo của EVN, Bộ Công Thương đã xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và tiến hành gửi xin ý kiến của 154 cơ quan, đơn vị gồm các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, tổ chức; Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực.
Đến hết ngày 26/3/2020, Bộ Công Thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị.
Theo đó các cơ quan, đơn vị đều thống nhất về sự cần thiết phải tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt và cần thiết phải cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt điện để phù hợp với thực tiễn sử dụng điện, để người tiêu dùng dễ quản lý được việc chi trả hoá đơn tiền điện và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả.
[Video] Bộ Công Thương: Giảm giá điện từ kỳ ghi hóa đơn tháng 5
Trong đó, có 109 ý kiến thống nhất với Phương án 5 bậc (Kịch bản 1) theo đề xuất của Bộ Công Thương tại Công văn số 1184/BCT-ĐTĐL ngày 24/02/2020. Tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương đã cập nhật số liệu về sản lượng điện sinh hoạt, số khách hàng sinh hoạt năm 2018 để hoàn thiện các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Theo phương án và kịch bản này, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang (thay vì 6 bậc thang như hiện hành). Trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101-200 kWh; bậc 3 mới từ 201-400 kWh; bậc 4 mới từ 401-700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Trong đó, Bộ Công Thương sẽ luôn đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; Các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700 kWh/tháng sẽ trả tiền điện giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700 kWh/tháng phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh/tháng.
Tuy nhiên, ngày 31/3/2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có công văn số 21/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất lùi thời gian sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt.
Trong công văn, Bộ Công Thương cho biết, việc nghiên cứu sửa đổi biểu giá bán lẻ điện đã được thực hiện thận trọng, từ việc giao EVN thuê Tư vấn xây dựng đề án, tổ chức hội thảo rộng rãi, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến đầy đủ các cơ quan, địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các hiệp hội.
Phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện do Bộ Công Thương đề xuất (5 bậc nêu trên) đã được các đơn vị thống nhất và đảm bảo nguyên tắc đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt giữ nguyên như tính toán theo cơ cấu tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg sát với giá bán lẻ điện bình quân được duyệt.
Đối với các khách hàng sử dụng điện từ 700 kWh/tháng trở xuống (khoảng 25 triệu hộ), chiếm tỷ lệ khoảng 98,18% tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện phải trả không tăng mà giảm.
Chỉ có các khách hàng có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (với số lượng khoảng 463 nghìn hộ), chiếm khoảng 1,82% tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, tiền điện phải trả tăng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch COVID-19; trong đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá.
“Bộ Công Thương nhận thấy nếu áp dụng theo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt do Bộ Công Thương đang đề xuất thì có khoảng 463 nghìn hộ dùng từ 701 kWh/tháng trở lên phải trả thêm tiền điện. Điều này có thể dẫn đến có ý kiến chưa đồng thuận trong dư luận xã hội về việc thực hiện chỉ đạo chưa tăng giá điện trong Quý I và Quý II năm 2020 tại Chỉ thị số 11/CT-TTg," báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian báo cáo Phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm hiện nay.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014./.