Phó Thủ tướng Bồ Đào Nha Paulo Portas ngày 28/10 tuyên bố nước này có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế về mặt kỹ thuật trong vài tuần tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước khi Quốc hội Bồ Đào Nha bắt đầu thảo luận về dự thảo ngân sách năm 2014, ông Paulo Portas - đồng thời là lãnh đạo đảng Nhân Dân, đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền, cho biết các số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Bồ Đào Nha đã phục hồi trở lại với tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng, đặc biệt đạt tăng trưởng kinh tế trong hai quý liên tiếp.
Theo ông, kinh tế Bồ Đào Nha có thể thoát khỏi suy thoái sau một vài tuần nữa và sẽ dần dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1.000 ngày qua.
[Bồ Đào Nha: Biểu tình phản đối chính sách khắc khổ]
Đầu tháng 10 vừa qua, "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha trong năm 2013 từ mức giảm 2,3% xuống còn 1,8% trong năm nay.
Tuy nhiên, theo thỏa thuận nhằm đổi lấy gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (101 tỷ USD) mà nhóm "bộ ba" trên cam kết từ tháng 5/2011, Bồ Đào Nha vẫn phải tiếp tục thực thi chính sách tài chính "thắt lưng buộc bụng" vốn gây nhiều tranh cãi.
Để đáp ứng chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dự thảo ngân sách năm 2014 đang chờ Quốc hội Bồ Đào Nha thông qua, cũng gồm các biện pháp kinh tế khắc khổ như cắt giảm lương hưu, lương người lao động..../.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thúc đẩy sau loạt biện pháp hỗ trợ tích cực
Lượng gạo xuất khẩu tăng từ Ấn Độ sẽ giúp mở rộng nguồn cung gạo toàn cầu nói chung, đồng thời làm giảm giá quốc tế bằng cách buộc các nước xuất khẩu lớn khác phải giảm giá.