Biên giới, hải đảo là những địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là những vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng của đất nước.
Xác định phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân nơi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nơi phên dậu Tổ quốc.
Hoạt động này đã thực sự khiến những người lính mang quân hàm xanh trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống ở vùng biên, từ đó xây dựng "thế trận lòng dân," "biên phòng toàn dân," khu vực biên giới quốc gia vững mạnh.
Đưa pháp luật vào cuộc sống ở vùng biên
Lùng Chu Phùng là thôn biên giới của xã Lao Chải (Vị Xuyên, Hà Giang) có hơn 100 hộ dân, bà con chủ yếu là người Mông, đời sống còn nhiều khó khăn. Dù nằm ở vùng giáp biên nhưng người dân luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, không vượt biên trái phép, chăm chỉ lao động sản xuất, giữ từng tấc đất biên cương.
Có được những kết quả này, những năm qua, các cán bộ, chiến sỹ Trạm kiểm soát Biên phòng Lao Chải thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đã thực hiện phương châm "4 cùng" nghĩa là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc, để vừa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vừa giúp đỡ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ bỏ các tập quán lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng thôn, xóm.
Nhiều hộ dân trong thôn Lùng Chu Phùng cho biết cán bộ, chiến sỹ biên phòng thường xuyên bám nắm cơ sở, hỗ trợ cho đồng bào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ vậy, các hộ giáp biên luôn đoàn kết, không vi phạm pháp luật, những vấn đề vướng mắc được cán bộ trao đổi trực tiếp, hòa giải, tháo gỡ kịp thời.
[Ngày Biên phòng toàn dân: Xây dựng thế trận lòng dân trong đại dịch]
Lùng Chu Phùng chỉ là một điểm nằm trên 277,556 km đường biên giới thuộc địa bàn quản lý của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).
Khu vực biên giới của Hà Giang có 7 huyện với 32 xã và 2 thị trấn, dân số trên 113.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 61,88%. Ở địa bàn này, việc ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giúp người dân luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật là nhiệm vụ rất nặng nề đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Nguyên nhân cũng bởi địa hình nơi đây bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; tình hình hoạt động của các loại tội phạm, di cư tự do, xuất nhập cảnh trái pháp luật... diễn biến phức tạp.
Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã chủ động tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới và phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp với từng đối tượng.
Giai đoạn 2016-2021, toàn bộ 34 xã, thị trấn biên giới của tỉnh Hà Giang có Câu lạc bộ tư vấn pháp luật; các đồn biên phòng đều có tủ sách, ngăn sách pháp luật và tổ chức phối hợp hàng ngàn buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân biên giới với gần 30 vạn lượt người nghe.
Tỷ lệ vi phạm pháp luật nhờ đó đã giảm 11,7% về số vụ và 29,8% về số đối tượng so với giai đoạn 2013-2016. Qua đó, nhận thức hiểu biết và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt; tình hình vi phạm pháp luật giảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định, tạo đà cho việc việc phát triển kinh tế-xã hội.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Không chỉ ở Hà Giang, việc lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021" đã được các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương vùng biên giới, hải đảo ghi nhận, đánh giá đạt hiệu quả cao.
Hoạt động tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã thực sự trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu biết đúng các quy định, tính nghiêm minh của pháp luật để chấp hành nghiêm túc.
Tỷ lệ vi phạm pháp luật hằng năm giảm, năm sau thấp hơn năm trước; một số địa phương giảm rõ rệt, tiêu biểu như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bạc Liêu.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, lực lượng đã triển khai đồng bộ, đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và đối tượng.
Các chiến sỹ quân hàm xanh đã nắm chắc phong tục, tập quán của nhân dân, đặc điểm địa bàn, đối tượng, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị kết nghĩa ở địa phương đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền đảm bảo tính quần chúng, giáo dục, thuyết phục cao cũng như đảm bảo thực hiện khoa học, thống nhất.
Có thể kể đến hình thức tuyên truyền tiêu biểu như tuyên truyền miệng; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng,mạng xã hội; tuyên truyền thông qua cổ động trực quan; tuyên truyền, giáo dục thông qua hoạt động "Ngày Pháp luật," các cuộc thi tìm hiểu, phong trào thi đua; tuyên truyền thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, tổ hòa giải; tuyên truyền qua hệ thống mạng lưới phát thanh-truyền thanh, tủ sách và phòng đọc cơ sở.
Tại các địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho chính quyền địa phương vận dụng sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các mô hình, phong trào hay, tạo cảm hứng và sức lan tỏa trong nhân dân và cán bộ, chiến sỹ.
Tiêu biểu như tổ chức phát động phong trào: "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới;" "Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản;" "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép."
Bên cạnh đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình: "Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên;" "Tổ phụ lão, tổ phụ nữ quản lý thôn, bản biên giới;" "Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm, tệ nạn ma túy;" "Già làng, trưởng bản gương mẫu;" "Tiếng kẻng vùng biên;" "Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biển."
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiệu quả của Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021" có ý nghĩa chính trị sâu sắc, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ; khẳng định và lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo; góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm.
Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di, dịch cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm nhiều so với giai đoạn trước.
Đặc biệt, ý thức quốc gia, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Diện mạo vùng biên giới hải đảo có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân được củng cố,xây dựng vững mạnh. Tiêu biểu trong triển khai thực hiện đề án là các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định, Đắk Lắk...
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thực sự trở thành cầu nối phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu biết đúng các quy định tính nghiêm minh của pháp luật để chấp hành nghiêm túc.
Tỷ lệ vi phạm pháp luật hằng năm giảm, việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới khu vực biên giới biển đảo, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ nhân dân biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện và có nhiều khởi sắc.
Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân được củng cố vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp các cấp, các ngành bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia./.